Kitô giáo và mối liên hệ với thư viện: Nhìn từ góc độ một số vấn đề, sự kiện và nhân vật tiêu biểu
Mở đầu:
Kitô giáo là một trong ba tôn giáo lớn nhất trên thế giới hiện nay (đứng đầu là Kitô giáo, sau đó là Hồi giáo và Phật giáo) với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài gắn liền với nhiều sự biến động của xã hội và văn minh thế giới.
Người Kitô giáo có mặt ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, với đủ mọi ngành nghề, tầng lớp xã hội và giai cấp. Những giáo dân Kitô cùng nhau xây dựng nên một đế chế vững chắc của Thần học, họ tin tưởng vào Chúa; và cũng nhờ niềm tin đó họ áp dụng thuần thục vào cuộc sống hàng ngày trong các mối quan hệ xã hội như gia đình, bạn bè, thầy trò…
Sống trong nền tảng đạo đức Thần học, coi Chúa là Đấng Tối cao, Đấng Sáng thế người Kitô giáo cũng đóng góp vào xã hội nhiều học thuyết có giá trị, thậm chí là cả các phát minh khoa học và sáng tạo cho nền văn minh thế giới.
Ở đây, tác giả là một người học chuyên ngành Thông tin – Thư viện, với mong muốn trước nhất là nghiên cứu các vấn đề mới về lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể ở bài viết này là “Kitô giáo và mối liên hệ với thư viện”; nhưng do còn hạn chế trong vấn đề tài liệu tham khảo, vì tại Việt Nam đa số vấn đề này còn là mới lạ chưa được khai thác nhiều, có chăng chỉ có đôi ba dòng liên quan trong các cuốn giáo trình chuyên ngành Thư viện – Thông tin mà không có nhiều tài liệu nghiên cứu thật sự chuyên sâu, và cũng vì phần khả năng của chính tác giả còn hạn chế, chưa thật sự có cơ hội hay điều kiện để nghiên cứu, khảo sát thực tế nhiều về vấn đề này nên bài viết ở đây chỉ dừng lại ở mức độ “một số vấn đề, sự kiện và nhân vật tiêu biểu” mang tính tổng hợp lại là chính và kèm theo một số đánh giá của riêng mình.
1. Khái niệm về Kitô giáo:
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì ta có định nghĩa như sau:
“Kitô giáo (thuật ngữ phiên âm) hay Cơ Đốc giáo (thuật ngữ Hán Việt) là một trong các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham đặt nền tảng trên giáo huấn, sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Giêsu Kitô như được ký thuật trong Kinh thánh Tân Ước. Kitô hữu (Cơ Đốc nhân) tin rằng Giêsu là Con của Thiên Chúa và là Đấng Messiah của người do Thái như đã được tiên báo trong Kinh thánh Cựu Ước. Thuộc tôn giáo độc thần, hầu hết Kitô hữu tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất hiện hữu trong ba thân vị (tiếng Hy Lạp: hypostasis) gọi là Ba Ngôi. Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa và văn minh phương Tây.” [1]
“Từ nguyên của "Kitô" là Χριστός (Khristos) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "Đấng được xức dầu", dịch theo danh hiệu Messiah trong tiếng Hebrew. Trong tiếng Việt, người Công giáo dùng từ "Kitô" để gọi danh hiệu này của Giêsu, trong khi người Tin Lành thường dùng từ "Christ". Bên cạnh từ "Kitô" phiên âm qua tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng bởi tín hữu Công giáo, còn có từ "Cơ Đốc" xuất phát từ chữ Nho (基督) và thường được tín hữu Tin Lành sử dụng. Ngoài ra, một số người cũng dùng cách gọi Thiên Chúa giáo để chỉ Công giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung.” [1]
Từ những định nghĩa trên ta có thể hiểu được cơ bản “Kitô giáo” là một thuật ngữ để chỉ một tôn giáo, với lịch sử và giáo lý hình thành từ lâu.
2. Kitô giáo và mối liên hệ với thư viện:
Thư viện có mặt khá sớm song hành với nền văn minh nhân loại khi được nhận định vào khoảng Thiên niên kỷ thứ III TCN. Bên cạnh đó thư viện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tôn giáo. Nếu như ở phương Đông, dưới triều đại phong kiến thư viện kết hợp với tôn giáo chính là Phật giáo thì ở phương Tây là đạo Kitô.
Tại đạo Kitô cũng giống như các tôn giáo khác, họ cũng có một nơi dùng để thực hiện các nghi thức thờ phụng, giao tế, giao tiếp với Thần linh hay đơn giản gọi là sinh hoạt tôn giáo nói chung gọi là Nhà thờ. Chính vì vậy Nhà thờ có một vai trong vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, và mạnh mẽ hơn nữa là ảnh hưởng lên cả chính trị. Để phục vụ cho công tác sinh hoạt tôn giáo hầu hết mọi Nhà thờ Kitô giáo thời kì Trung cổ mà trong đó là tổ hợp các tu viện và giáo hội đều xây dựng thư viện. Ngay từ thời kì đầu những người Kitô giáo đã nhận định được sức mạnh của tri thức và họ đã sử dụng thư viện – nơi chứa đựng tri thức của nhân loại, hay đối với họ là nơi lưu trữ những tri thức Thần học, lời của Chúa và ý của Chúa vào công cuộc truyền giáo của mình.
Cũng vào thời kỳ để này phát triển và hoạt động mạnh mẽ họ phải bắt tay với giới quý tộc và giai cấp thống trị, nên thư viện cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị rất nhiều. Thư viện vào thời kỳ đó đã đi sâu vào câu thành ngữ nổi tiếng của phương Tây: “Tu viện mà không có thư viện thì cũng không khác gì trại lính mà không có vũ khí”, câu thành ngữ như nhận định một cách xác đáng về mối liên hệ mật thiết giữa thư viện và tu viện.
=》 Từ đó ta có thể thấy thư viện lúc này trở thành công cụ của giai cấp phong kiến và thầy tu trong công cuộc tuyên truyền và giáo huấn...[6; tr.89]
Nhấn mạnh hơn trong thời kỳ Trung cổ, ở các nước phương Tây, giáo hội giữ địa vị thống trị. Do đó thần học, logic học và ngữ pháp giữ một vị trí cơ bản trong phân loại tri thức còn khoa học tự nhiên chỉ giữ vai trò phụ. Quan điểm này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách phân loại tài liệu ở thư viện trong các tu viện. Tại các tu viện và nhà thờ, kho sách chủ yếu là kinh thánh và các tài liệu thần bí. Các loại tài liệu này khi phân loại chịu ảnh hưởng bởi hệ thống "bẩy nghệ thuật tự do" với 2 nhóm cơ bản:
Nhóm 1: Văn phạm học; Phép biện chứng, Tu từ học.
Nhóm 2: Số học; Hình học; Âm nhạc, Thiên văn học. [7; tr.43]
=》 Giáo hội ảnh hưởng sâu sắc đến việc coi các ngành khoa học tự nhiên chỉ giữ vai trò phụ; các ngành như Thần học, logic và ngữ pháp giữ một vị trí cơ bản. Từ đó lại ảnh hưởng đến cách phân loại tài liệu thư viện trước nhất là trong các tu viện, sau đó là cả các trường đại học.
Cụ thể các tu sĩ cũng đóng góp một phần không nhỏ của mình trong sự nghiệp thư viện. Cuối TK XVIII, một tu sĩ của dòng Phanxico ở Lodon biên soạn một thư mục với tên là “Registrium Librorem Angliea” với mục đích ghi lại sưu tập của các thư viện thuộc tất cả dòng tu ở Anh. Một công trình đáng giá nữa có thể kể đến là bản thư mục thuộc tu viện S.Martin ở Dover hoàn thành năm 1389 (thế kỷ XIV), gồm 3 phần:
1. Liệt kê theo số liệu của sách, có các yếu tố: nhan đề sách rút gọn, số của trang, số hiệu sách, chữ cái đầu tiên của trang đó...
2. Xếp theo số liệu của sách và giới thiệu nội dung của từng quyển.
3. Xếp theo thứ tự chữ cái của tên sách.
Đến thế kỷ XV - XVI, tu sĩ dòng Benedictine là Florian Treifler đưa ra đề nghị: một bộ thư mục gồm 5 phần:
1. Tài liệu xếp theo thứ tự chữ cái đầu tiên tên tác giả.
2. Tài liệu xếp theo ký hiệu của sách (ký hiệu xếp giá).
3. Một bảng dẫn theo môn loại tài liệu.
4. Một bảng dẫn theo chữ cái cho các tài liệu xếp theo môn loại trên. [8; tr.42]
=》 Các bản thư mục do các tu sĩ biên soạn chủ yếu tập trung phản ánh các tài liệu của các thư viện Kitô giáo theo mô - típ còn đơn giản, chưa thực sự thống nhất, nhưng đã phần nào đóng góp vào sự nghiên cứu thư viện trong thời kì đầu.
Cho đến ngày nay các thư viện của Kitô giáo vẫn còn và đang hoạt động mạnh mẽ, có thể đến vài thư viện tiêu biểu như sau:
Thư viện Tòa Thánh Vatican:
“Ngày nay, thư viện Vatican có khoảng 75.000 bản viết tay và hơn 1,1 triệu sách in, trong đó có khoảng 8.500 incunabula. Kho văn khố bí mật Vatican được tách ra khỏi thư viện này từ đầu thế kỷ thứ 17 và gồm có khoảng 150.000 đầu sách.
Trong số các tác phẩm nổi tiếng của thư viện, có Codex Vaticanus Graecus 1209, một sách Kinh Thánh viết tay cổ nhất được biết đến gần như còn toàn vẹn. Quyển Truyện bí mật (Historia Arcana) nổi tiếng của Procopius Caesarensis được tìm thấy ở thư viện này và được xuất bản năm 1623.
Ngoài sách vở tài liệu, thư viện còn có các bộ sưu tập tiền đúc và huy chương, huân chương cổ.
Sách in và tài liệu viết tay ở thư viện được gắn các vi mạch điện tử giúp công tác tìm kiếm chúng được dễ dàng hơn. Ông Ambrogio Maria Piazzoni, phó quản thủ Thư viện tòa thánh Vatican, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng 1 hệ thống điều khiển bằng tần số vô tuyến đối với các quyển sách ở đây. Bởi vì trong 1 thư viện như thế này, nếu 1 quyển sách bị để nhầm chỗ, chúng tôi khó tìm quyển sách đó lại được. Hệ thống mới này đã giúp chúng tôi kiểm soát sách dễ dàng hơn.
Bên cạnh kết nối Internet sử dụng các máy vi tính để bàn, ông Piazzoni cho biết thêm thư viện cũng đã được trang bị hệ thống kết nối Internet không dây – thường gọi là wifi- ở mỗi phòng đọc. Điều này giúp cho các nhà nghiên cứu có thể sử dụng máy tính xách tay cá nhân truy cập vào danh mục tài liệu tham khảo và sử dụng các dịch vụ khác tại thư viện.
Thư viện đã đóng cửa để tân trang, tu bổ ngày 17.7.2007 và được mở cửa lại ngày 20.9.2010.” [2]
Thư viện thuộc tu viện Wiblingen (Đức):
“Thư viện của tu viện là một trong những địa điểm sáng giá của các nhà sử gia nghệ thuật vì độ trang trí cầu kỳ và những bức bích hoạ tuyệt đẹp trên trần nhà của nơi đây. Khắc tại lối vào là dòng chữ “In quo omnes thesauri sapientiae et scientiae,” nghĩa là “Nơi đây ngự trị mọi kho tàng kiến thức và khoa học”, một câu châm ngôn dành cho các viện châu Âu thời cổ. Thư viện nắm giữ số lượng lớn các bộ sưu tập về kiến thức ngoại giáo lẫn Thiên chúa giáo và nhiều hình ảnh, mở cửa cho nhiều du khách và các nhà nghiên cứu đến khám phá.” [3]
Thư viện thuộc tu viện Saint Gall (Thụy Sĩ):
“Thư viện này là một trong những thư viện giàu có và lâu đời nhất trên thế giới, với lượng sách lên đến 130,000 bản, bao gồm nhiều bản thảo quý và một phác đồ kiến trúc xa xưa nhất thế giới trên giấy da, bản đồ Saint Gall nổi tiếng. Bản đồ Saint Gall được vẽ tại phòng viết trong tu viện tại đảo tu viện Reichenau vào năm 820. Đây là phác đồ kiến trúc duy nhất trên thế giới từ thời đại Frank vẫn còn bảo tồn được trong trạng thái nguyên vẹn. Bản đồ Saint Gall không tương thích với bất cứ công trình nào hiện tại đang được xây dựng, nhưng nó có thể xem là một bản đồ kiến trúc tu viện lý tưởng. Đồng thời, một trong ba bản hoàn chỉnh của Nibelungenlied (hay còn có tên là Bài hát của Nibelungs, là một thiên hùng ca được viết từ những năm 1200 bằng tiếng Đức thời Trung cổ) cũng được cất giữ trong thư viện.” [4]
Thư viện thuộc tu viện Melk (Áo):
“Thư viện bao gồm tổng cộng 12 phòng, gồm 1,888 nguyên cảo, 750 icunabula, 1,700 tác phẩm từ thế kỷ 16, 4,500 từ thế kỷ 17, và 18,000 từ thế kỷ 18; cộng với sách mới, xấp xỉ gần 100,000 đầu sách tổng cộng.” [5]
=》 Các thư viện của Kitô giáo nhìn chung hiện nay vẫn hoạt động để phục vụ bạn đọc, trong đó các yếu tố về bảo tồn di tích và lịch sử văn hóa cũng được đề cao và coi trọng. Có thể nói thư viện hiện nay đối với người Kitô vừa là một trung tâm thông tin để cung cấp học tập về giáo lý và cũng là nơi để lưu trữ và gìn giữ văn hóa lịch sử.
3. Kết luận:
Thư viện ngay từ lâu đã gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại, chính vì vậy nó gắn liền với tôn giáo như một điều không thể thiếu. Đối với Kitô giáo qua nhiều thời kì lịch sử thăng trầm của thế giới thư viện có thể được coi như là một công cụ, một vũ khí, hay là một trung tâm thông tin tôn giáo còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội… Và dù có nhìn nhận ở hình thức nào thì thư viện vẫn được luôn được coi trọng và nghiên cứu dù rằng còn núp bóng sau nhiều vấn đề khác. Tóm lại Kitô giáo đối với thư viện ở một số vấn đề, sự kiện và cùng thông qua một số nhân vật tiêu biểu như trên đã thể hiện được sự quan tâm của tôn giáo này đối với ngành thư viện nói chung và ngành khoa học thư viện nói riêng dù ở mức độ có khác qua các thời kỳ.
____________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Kitô giáo, truy cập vào ngày 23/08/2019, tại địa chỉ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kit%C3%B4_gi%C3%A1o
2. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Thư viện Vatican, truy cập vào ngày 23//08/2019, tại địa chỉ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0_vi%E1%BB%87n_Vatican
3. Chilaxu (2018), Thư viện thuộc tu viện Wiblingen - Nơi chứa đựng thánh tích từ cuộc Thập tự chinh đầu tiên, truy cập vào ngày 23/08/2019, tại địa chỉ: https://idesign.vn/art-and-ads/thu-vien-thuoc-tu-vien-wiblingen-noi-chua-dung-thanh-tich-tu-cuoc-thap-tu-chinh-dau-tien-303091.html
4. Chilaxu (2018), Thư viện ở tu viện Saint Gall với phong cách Baroque và Rococo xa hoa, truy cập vào ngày 23/08/2019, tại địa chỉ:
https://idesign.vn/art-and-ads/thu-vien-o-tu-vien-saint-gall-voi-phong-cach-baroque-va-rococo-xa-hoa-285403.html
5. Chilaxu (2018), Thư viện cổ tại tu viện Melk ở Áo sừng sững trên vách đá cạnh sông Danube, truy cập vào ngày 23/08/2019, tại địa chỉ:
https://idesign.vn/art-and-ads/thu-vien-co-tai-tu-vien-melk-o-ao-sung-sung-tren-vach-da-canh-song-danube-294364.html
6. Nguyễn Yến Vân, Vũ Dương Thúy Ngà (2010), Thư viện học đại cương – H. : NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Vũ Dương Thúy Ngà (2019), Phân loại tài liệu – H. : NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Lan Thanh, Trịnh Kim Chi (2006), Thư mục học – H. : NXB Văn hóa thông tin.
___________________________________
Hình ảnh: Sưu tầm internet
Sưu tầm và viết bài: Hải Anh