Bộ cơ sở dữ liệu OECD cung cấp thông tin phục vụ và dự báo kinh tế - xã hội cho Chính phủ, doanh nghiệp
Lời mở đầu
Kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng mà Quốc gia nào cũng quan tâm để tìm các giải pháp phát triển bền vững nó, song hành với các lĩnh vực khác như quốc phòng, văn hóa hay giáo dục.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với các quốc gia và nền kinh tế lớn trên thế giới, mà nền kinh tế hiện tại đang xây dựng theo hướng “kinh tế nhiều thành phần định hướng chủ nghĩa xã hội” nên đang rất cần các thông tin – xã hội hữu ích để phục vụ, nghiên cứu và phát triển. Chính vì thế trong bài viết này tác giả có đề cập đến một giải pháp là sử dụng bộ cơ sở dữ liệu OECD để khai thác thông tin kinh tế - xã hội phục vụ cho Chính phủ và doanh nghiệp trong thời kì hiện nay.
1. Hiện trạng thông tin phục vụ phân tích và dự báo kinh tế - xã hội
Theo chuyên gia Đỗ Văn Thành (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định thì về tình trạng thông tin phục vụ phân tích và dự báo kinh tế - xã hội ở nước ta thì như sau [tr.1-2, 3]:
- Thông tin phục vụ phát triển và dự báo kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay manh mún, phân tán và không đồng bộ, đầy đủ. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) về thông tin kinh tế - xã hội ở các bộ ngành hiện nay có rất ít và chủ yếu là CSDL được thiết lập dựa trên mô hình quan hệ nhằm phục công tác điều hành tác nghiệp…
- Thông tin phục vụ phát triển và dự báo kinh tế - xã hội ở nước ta chưa được thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn lẫn nhau. Việc tin học hóa các nguồn thông tin kinh tế - xã hội nói chung còn phiến diện, cắt khúc gây khó khăn và ảnh hưởng đến niềm tin vào tính xác thực thông tin của các đối tượng sử dụng.
- Tình trạng cát cứ thông tin phục vụ phát triển và dự báo kinh tế - xã hội đang diễn ra phổ biến, gây ra những lãng phí lớn về sử dụng nguồn lực thông tin; làm hạn chế chất lượng công tác phát triển và dự báo và dẫn đến làm giảm chất lượng, hiệu quả của các chính sách kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngành ban hành.
2. Bộ cơ sở dữ liệu OECD cung cấp thông tin phục vụ và dự báo kinh tế - xã hội cho Chính phủ, doanh nghiệp
2.1. Giới thiệu về bộ CSDL OECD
Để cung cấp CSDL hữu ích cho những hạn chế đã đề cập ở trên, tác giả xin giới thiệu bộ CSDL OECD.
OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), địa chỉ web: https://www.oecd-ilibrary.org/
OECD có trụ sở chính tại Paris và được thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay OECD có trên 30 thành viên.
Bộ CSDL OECD (OECD - ILbrary) chứa tất cả các cuốn sách, giấy tờ và một bộ sư tập thống kê khổng lồ được xuất bản từ năm 1998 cùng với với dữ liệu có từ đầu những năm 1960 của hơn 80 quốc gia.
Người dùng tin có thể tìm kiếm và nhấp trực tiếp vào chương, bài viết, sách, bảng, cơ sở dữ liệu,... Những mục nội dung này có sẵn ở các định dạng và ngôn ngữ khác nhau. CSDL OECD được đánh giá là một trong những tài nguyên trực tuyến toàn diện nhất về kinh tế, xã hội, giáo dục và môi trường thế giới; thư viện trực tuyến OECD ILibrary là một công cụ mạnh mẽ cho những người làm việc tại các tổ chức học thuật, trong khu vực tư nhân và tại các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ. Bề rộng nội dung OECD ILibrary cung cấp quyền truy cập trực tuyến vào tất cả các ấn phẩm và số liệu thống kê, được phát hành từ năm 1998, từ OECD, IEA (Cơ quan năng lượng quốc tế), NEA (Cơ quan năng lượng hạt nhân), Trung tâm phát triển OECD và ITF (Diễn đàn giao thông quốc tế).
OECD ILibrary có tổng cộng 15.120 đầu sách điện tử; 76.700 chương; 227.000 bảng và đồ thị; 2.185 bài viết; 6.165 tóm tắt đa ngôn ngữ; 6.370 giấy tờ làm việc và 7 tỷ điểm dữ liệu trên 79 cơ sở dữ liệu.
2.2. Các chủ đề của OECD – Ilibrary cung cấp thông tin phục vụ và dự báo kinh tế - xã hội
Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nên khai thác và sử dụng 17 chủ đề chính của OECD – ILibrary để phục vụ cho công tác của mình trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cụ thể 17 chủ đề đó sẽ cung cấp thông tin gì, và giúp ích thế nào để phục vụ và dự báo kinh tế - xã hội sẽ được trình bày chi tiết dưới đây:
1. Nông nghiệp và Thực phẩm
OECD được biết đến bởi phương pháp luận đo lường sự hỗ trợ nông nghiệp theo tiêu chuẩn đánh giá mang tính quốc tế. Họ cũng thực hiện những bài đánh giá, phân tích và tiến hành đưa ra những dự đoán trung hạn hàng năm về vấn đề liên quan đến chính sách nông nghiệp và ngư nghiệp. Dự toán hỗ trợ sản xuất (PSE- chỉ số đo lường sự hỗ trợ nông nghiệp) là một công cụ quan trọng được phát triển bởi tổ chức OECD nhằm so sánh tính hiệu quả của chính sách nông nghiệp giữa các quốc gia và theo dõi quá trình cải cách chính sách.
http://www.oecd-ilibrary.org/agriculture
2. Khoa học và Công nghệ
OECD là đơn vị tiên phong xúc tiến việc nâng cao sự hiểu biết về vai trò và tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, cũng như các yếu tố tạo nên phương pháp thưc hiện và ứng dụng thực tế. Những nghiên cứu của OECD và các quốc gia nhằm thu được những dự liệu so sánh quốc tế và cung cấp thông tin về môi trường khoa học, công nghệ và công nghiệp. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu kinh tế tổng quát như tặng trưởng, tuyển dụng và là nền tảng cơ bản cho việc giám sát tính hiệu quả các chính sách của quốc gia.
http://www.oecd-ilibrary.org/science
3. Phát triển vùng miền
OECD nghiên cứu lĩnh vực này nhằm để kiểm tra hiện trạng của việc phân chia vùng miền, cụ thể là các khu vực nông thôn, thành thị, khu vực sát biên giới hoặc thủ đô góp phần vào sự phát triển quốc gia như thế nào. Nghiên cứu này tập trung vào việc tìm hiểu liệu một mô hình phát triển dựa trên sự phân chia các vùng miền, một hướng tiếp cận chính sách đa khu vực có phải là cách tốt nhất để đạt được kết quả tăng trưởng cả nước nói chung và cả theo khu vực nói riêng bằng việc khai thác các điểm mạnh nội tại, mạng lưới tài sản và cơ chế quản trị đa cấp. Những phân tích kết hợp bởi những yếu tố lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội có thể giải thích vì sao và cái cách mà một vùng lãnh thổ có thể nâng cao những triển vọng tăng trưởng và phát triển.
http://www.oecd-ilibrary.org/regions
4. Xã hội và Y tế
Cuộc chiến chống lại nạn đói nghèo và các vấn đề xã hội vẫn luôn nhức nhối ở các quốc gia thuộc OECD và không thuộc OECD. Cung cấp những khoản phúc lợi cho con người giúp giảm thiểu những khó khăn về mặt kinh tế và xã hội, nhưng những chính sách này không thế thay thế những chiến lược phát triển xã hội toàn diện. Chính sách xã hội ở OECD bao quát toàn bộ những chính sách xã hội, giáo dục và y tế được thực hiện trong môi trường liên tục thay đổi về nhân khẩu học xã hội, thị trường lao động và sự phát triển kĩ thuật.
www.oecd-ilibrary.org/socialissues
5. Giáo dục
Những nghiên cứu của OECD trong lĩnh vực giáo dục nhằm thu thập thông tin dữ liệu, thực hiện những phân tích và đánh giá chính sách và sử dụng những dữ liệu này để nâng cao thành tích học tập của học sinh. Những số liệu thống kê và dữ liệu từ những cuộc điều tra này cung cấp một nền tảng vững chắc giúp các quốc gia thành viên của tổ chức OECD phát triển chất lượng, tính cân bằng, tính hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc gia. Hoạt động của OECD cũng bao gồm những nghiên cứu vấn đề giáo dục và chăm sóc trẻ em, chất lượng giáo dục, hình thức học trực tuyến và cả vấn đề tuyển dụng cũng như đào tạo nghề.
http://www.oecd-ilibrary.org/education
6. Môi trường
Một môi trường lành mạnh là điều kiện tiên quyết của một nền kinh tế vững mạnh và cân bằng, đó cũng là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững. Tổ chức OECD cung cấp một diễn đàn cho các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát triển những đề xuất về chính sách cụ thể, thiết thực. Những chính sách này có thể giải quyết những vấn đề môi trường bức bách một cách hiệu quả nhất, thông qua những hoạt động thu thập dữ liệu, phân tích chính sách và đưa ra dự đoán.
http://www.oecd-ilibrary.org/environment
7. Phát triển
Mục đích của OECD nghiên cứu lĩnh vực này nhằm tăng tính hiệu quả trong những nỗ lực hỗ trợ phát triển một cách bền vững. Điều này giúp cho những nhà hoạch định chính sách ở OECD và những quốc gia đang phát triển tìm ra những giải pháp sáng tạo cho những thử thách mang tính toàn cầu trong vấn đề phát triển, xóa vỏ đói nghèo, giảm thiểu sự bất bình đẳng. Những nghiên cứu này sử dụng thông tin và trải nghiệm từ nhiều quốc gia khác nhau và đưa ra kết quả lên cộng đồng quốc tế, những nhà hoạch định chính sách, những viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức dân sự.
www.oecd-ilibrary.org/development
8. Thương mại
Phản ánh tiến trình toàn cầu hóa các hoạt động công nghiệp và tính gắn kết giữa những khía cạnh thương mại với những lĩnh vực chính sách khác, OECD nghiên cứu về lĩnh vực này nhằm thay đổi tầm quan trọng trong thương mại hàng hóa sang bước chuyển biến mới trong thương mại đa ngành. Điều này làm nổi lên những sức ép và xung đột thương mại xuất hiện do áp lực của sự cạnh tranh thẳng. hoạt động thương mại còn bao gồm tín dụng xuất khẩu, cơ sở thương mại, các biện pháp phi thuế quan và tài trợ thương mại.
http://www.oecd-ilibrary.org/trade
9. Giao thông
Diễn đàn giao thông quốc tế (ITF), dưới sự bảo trợ của tổ chức OECD là một cơ quan nghiên cứu những chính sách giao thông toàn cầu, cung cấp những đánh giá hết sức thiệt thực cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng giao thông toàn cầu. Những nghiên cứu của diễn đàn được củng cố bởi những nghiên cứu kinh tế, tập hợp các dữ liệu và phân tích chính sách, thường được kết hợp phân tích cùng với những số liệu nghiên cứu hàng đầu trong các viện, doanh nghiệp và chính phủ. Diễn đàn giao thông quốc tế duy trì chuỗi số liệu và chỉ số về giao thông, thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng, an toàn giao thông và vấn đề khí khải từ phương tiện giao thông toàn cầu.
http://www.oecd-ilibrary.org/transport
10. Năng lượng hạt nhân
Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA) đại diện cho rất nhiều các tổ chức nghiên cứu hạt nhân đứng đầu trên thế giới, tập hợp sự tham gia của 29 quốc gia thành viên của OECD. Thông qua các hợp tác quốc tế, các nguyên tắc khoa học và công nghệ dựa trên tính an toàn, sứ mệnh của NEA là nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc duy trì và phát triển việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách kinh tế, thân thiện với môi trường và vì những mục đích hòa bình. NEA cung cấp sự đánh giá có căn cứ và đưa ra khái niệm chung về những vấn đề then chốt nhằm làm cơ sở để các chính phủ đưa ra những quyết định trong vấn đề năng lượng hạt nhân và nhằm mở rộng những phân tích chính sách trong lĩnh vực rộng hơn trở như năng lượng và phát triển bền vững.
http://www.oecd-ilibrary.org/nuclear
11. Quản trị công
OECD nghiên cứu chủ đề quản trị công nhằm xác định xu hướng thay đổi về nhu cầu xã hội và thị trường, từ đó hỗ trợ các quốc gia thích nghi với những vấn đề liên quan tới sắp xếp quản trị khu vực công cho phù hợp với sự thay đổi nhu cầu của xã hội. Những hoạt động này liên quan đến việc nâng cao hiệu quả trong các hoạt động của chính phủ trong bối cảnh nhằm bảo vệ và xúc tiến những giá trị trong công tác quản trị dài hạn của xã hội. OECD nghiên cứu bao trùm tất cả các phân tích chương trình quản trị quốc gia, những chính sách điều tiết và tạo ra những công cụ chính sách cho khu vực công nhằm chống lại nạn tham nhũng và hướng tới sự hoàn hảo.
http://www.oecd-ilibrary.org/governance
12. Thuế
Tổ chức OECD tiến hành nghiên cứu về thuế và giải quyết rất nhiều các lĩnh vực liên quan, bao gồm nạn trốn thuế, nghĩa vụ đóng thuế môi trường. OECD đưa ra những số liệu thống kê so sánh mang tính quốc tế, thiết lập tiêu chuẩn về thuế như công ước biểu mẫu thuế OECD nhằm giám sát và đánh giá chính sách thuế. Những phân tích chuyên sâu này cung cấp những sự lựa chọn của những quốc gia trong vấn đề cải cách hệ thống thuế cũng như phát triển tính hiệu quả, cân bằng và bắt buộc thi hành đối với chính sách về thuế.
http://www.oecd-ilibrary.org/taxation
13. Kinh tế
Kinh tế là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất làm cơ sở cho những hoạt động của OECD, những số liệu thống kê kinh tế là nền tảng cơ bản cho hầu hết những phân tích của OECD. Những hoạt động này liên quan đến cả 2 vấn đề, kinh tế vi mô và các vấn đề về cơ cấu quản lý đặc biệt là những tác động của chúng tới việc lập chính sách. Tất cả những số liệu đươc đưa ra dựa trên việc thu thập thông tin từ những quốc gia thành viên của tổ chức cũng như những quốc gia không phải thành viên của OECD, trong đó bao gồm cả những dự án phát triển kinh tế trung hạn và ngắn hạn.
www.oecd-ilibrary.org/economics
14. Năng lượng
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), dưới sự quản lý của tổ chức OECD, được thành lập từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên diễn ra vào những năm 1970. Hoạt động của IEA đảm bảo nguồn năng lượng sạch và tin cậy cho 28 quốc gia thành viên và hơn thế nữa. IEA cũng xác định các loại năng lượng, thu thập số liệu thống kê trên thị trường năng lượng quốc tế, phân tích thị trường, công nghệ hỗ trợ và những đánh giá chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chúng.
www.oecd-ilibrary.org/energy
15. Tài chính và đầu tư
Sự phối hợp của tổ chức OECD và các chính phủ nhằm phát triển chính sách trong nước và toàn cầu có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh và thị trường. Điều này giúp các chính phủ xác định những chính sách và cách thức hoạt động tốt nhất giúp các thị trường luôn mở, cạnh tranh và phát triển bền vững, chống lại sự lũng đoạn thị trường và tội phạm kinh tế thông qua hợp tác quốc tế. Tổ chức OECD đã đảm nhận những thách thức về chính sách công liên quan tới các vấn đề kinh doanh bao gồm đầu tư, tài chính, chống tham nhũng, quản trị doanh nghiệp, cạnh tranh, lương hưu cá nhân, bảo hiểm và phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế, và đảm bảo sự ổn định về tài chính
http://www.oecd-ilibrary.org/finance
16. Tuyển dụng, việc làm
Những nghiên cứu của OECD trong lĩnh vực việc làm bao gồm tất cả những phân tích xung quanh vấn đề việc làm và tuyển dụng, vấn đề thất nghiệp và những chính sách cho thị trường lao động, liên kết chặt chẽ với chính sách xã hội và giáo dục. Các hoạt động phân tích này theo dõi giãm sát những cải cách về lao động ở các quốc gia trong các vấn đề trọng tâm như chính sách bảo hộ lao động, chính sách thị trường lao động, mức lương tối thiểu, đào tạo nghề và chương trình học dành cho người lớn. OECD cũng cung cấp những phân tích theo từng quốc gia cụ thể và điều chỉnh các chính sách nhằm giúp những chính phủ tạo ra những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn cho nhóm những người lao động khó có cơ hội cạnh tranh hơn như những người trẻ tuổi, những người già và những người tàn tật.
http://www.oecd-ilibrary.org/employment
17. Công nghiệp và Dịch vụ
OECD nghiên cứu về ngành công nghiệp và dịch vụ giúp chính phủ xây dựng vi cấp (cấp độ vi mô) chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và các doanh nghiệp. Phân tích vị trí các vấn đề liên quan đến công ty lớn và nhỏ trong sản xuất và các ngành dịch vụ ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Tinh thần kinh doanh, cải tiến, quản trị doanh nghiệp, du lịch, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và toàn cầu hóa là một trong các chủ đề nghiên cứu và thảo luận của OECD.
https://www.oecd-ilibrary.org/industry-and-services
3. Kết luận
OECD – Ilibrary một giải pháp ưu việt cho việc cung cấp thông tin phục vụ và dự báo kinh tế - xã hội cho Chính phủ, doanh nghiệp trong thời kì hiện nay. Nhờ các thông tin phong phú và đa dạng từ 17 chủ đề tập chung chính yếu vào các vấn đề kinh tế – xã hội với nhiều định dạng văn bản và hình thức tài liệu khác nhau bộ CSDL OECD đã đưa ra được nhiều thông số, dữ kiện chính xác làm tiền đề cho Chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng các dự án, thiết lập các công trình, sáng tạo các sản phẩm phục vụ xã hội và đất nước phát triển theo chiều hướng tích cực hơn nữa.
______________________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Giới thiệu 4 bộ CSDL: WorlBank Elibary, OECD ILbrary, ITU ILibrary, UN ILibrary, tài liệu nội bộ công ty IDT.
2. Giới thiệu bộ cơ sở dữ liệu OECD ILbrary, tài liệu nội bộ công ty IDT.
3. Đỗ Văn Thành (2014), Hệ thống thông tin phân tích vầ dự báo kinh tế - xã hội, Seminar Online Socio - Economic Information Resources: Expand connectio and Increase sharing (Nguồn thông tin kinh tế - xã hội trực tuyến: Mở rộng kết nối và tăng cường chia sẻ), NCEIF, Hà Nội.
4. https://www.oecd-ilibrary.org/ truy cập vào ngày 30/08/2019
5. https://idtvietnam.vn/vi/csdl-oecd-ilibrary truy cập vào ngày 30/08/2019
______________________________________________
Hình ảnh: Công ty IDT
Sưu tầm và viết bài: Hải Anh