CHUỖI TỌA ĐÀM: "OCLC - KẾT NỐI MẠNG LƯỚI THƯ VIỆN TOÀN CẦU VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH LIÊN HIỆP THƯ VIỆN TẠI VIỆT NAM"
OCLC (Online Computer Library Center) - Tổ chức thành viên thư viện lớn nhất thế giới là một trong những tổ chức hàng đầu trong việc liên kết, kết nối các thư viện trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm OCLC có lẽ vẫn còn khá mới với nhiều cán bộ thư viện. Chính vì vậy, từ ngày 11/12/2018 đến ngày 14/12/2018 Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số phối hợp với một số thư viện tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề: "OCLC - Kết nối mạng lưới thư viện toàn cầu và xây dựng mô hình liên hiệp thư viện tại Việt Nam".
Ngày 11/12/2018 tọa đàm tại Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có sự hiện diện của TS Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch); Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam - Nguyễn Hữu Giới; GS Đinh Văn Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội cùng với Ban Giám đốc thư viện và cán bộ 23 thư viện đại học kỹ thuật tại Hà Nội.
Năm 2015, Thư viện Tạ Quang Bửu là đơn vị đi đầu tiên trong cả nước tham gia OCLC. Sau 3 năm tham gia, Thư viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Chia sẻ những kết quả đó, tại buổi tọa đàm, ThS Phạm Thị Lan đã báo cáo thực trạng và định hướng của Thư viện Tạ Quang Bửu trong việc sử dụng các sản phẩm của OCLC.
ThS Phạm Thị Lan (cán bộ TV Tạ Quang Bửu) chia sẻ tại buổi tọa đàm
Đại diện OCLC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số cũng có bài trình bày gửi tới tọa đàm các thông tin hữu ích về OCLC trong việc kết nối các thư viện trên toàn cầu và xây dựng mô hình liên hiệp thư viện tại Việt Nam.
Đại diện Công ty IDT trình bày mô hình tổ chức liên hiệp thư viện cho khối các trường kỹ thuật
Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, TS Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ thư viện và ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam đã có phát biểu nhấn mạnh việc các thư viện tại Việt Nam cần tăng cường liên kết, hợp tác với nhau để xây dựng những liên hiệp thư viện hoạt động tích cực, hiệu quả; cùng hỗ trợ nhau trong hoạt động phục vụ bạn đọc, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin.
TS Vũ Dương Thúy Ngà phát biểu tại tọa đàm
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam - Nguyễn Hữu Giới phát biểu tại tọa đàm
Tiếp đó, ngày 13/12/2018 , Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số phối hợp với Trung tâm học liệu - Đại học Huế tổ chức buổi tọa đàm với sự góp mặt của 8 trường và 2 khoa thuộc Đại học Huế cùng thư viện Tổng hợp và thư viện các trường cao đẳng, đại học tại Huế. Tọa đàm mang đến cho các thư viện cái nhìn rõ hơn, cụ thể hơn về OCLC là ai, các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho thư viện như thế nào và việc vận dụng vào thực tiễn để xây dựng các liên hiệp thư viện tại Việt Nam ra sao.
Ông Wang, Andrew (Chủ tịch OCLC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) giới thiệu về OCLC tại buổi tọa đàm
Bà Shu-en, Tsais (Giám đốc điều hành OCLC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) giới thiệu các mô hình liên hiệp thư viện trên thế giới và kinh nghiệm cho các thư viện tại Việt Nam
Đại diện Công ty IDT giới thiệu xây dựng mô hình liên hiệp thư viện tại Việt Nam
Ngày 14/12/2018 tọa đàm tổ chức tại Đại học Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh với sự tham gia của các cán bộ thư viện và các đơn vị khác như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thủ Dầu Một. Không chỉ đơn thuần là một tọa đàm, buổi làm việc chính là để các chuyên gia OCLC có thể chia sẻ kinh nghiệm đối với thực tiễn hoạt động của các thư viện tại Việt Nam.
Cùng với sự thay đổi và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thư viện cũng đang dần dần đổi mới cách thức hoạt động của mình để tiến tới tiêu chuẩn hóa, quốc tế hóa và hội nhập với các thư viện khác trên thế giới. Chính vì vậy, OCLC là một trong những tổ chức đi đầu có thể giúp các thư viện giải quyết những vấn đề mà họ đang phải đối mặt, cùng kết nối và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã thành công trên thế giới. Với chuỗi tọa đàm vừa qua Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số hy vọng đã đưa đến những thông tin hữu ích, những chia sẻ và kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia trong và ngoài nước và rất mong sẽ luôn được đồng hành, hỗ trợ cùng các thư viện trong thời gian tới.