Du xuân 2018 - Những bước chân chinh phục đỉnh Lảo Thẩn
Ở đâu đó có người từng nói rằng: “Có rất nhiều con đường để bạn chọn lựa, nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Không phải là những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, du xuân vãn cảnh mà chúng tôi – IDTers lựa chọn đi cùng nhau khám phá những cung đường mới, chinh phục những thử thách mới. Gian nan đấy, vất vả đấy, thời tiết khắc nghiệt là thế đấy nhưng chúng tôi vẫn đi, vẫn cùng nhau đối mặt, cùng nhau chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.
Nằm trên độ cao 2.826 m, đỉnh Lảo Thẩn được xem như nóc nhà của Y Tý, thuộc địa phận xã Phìn Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lảo Thẩn là cái tên phổ biến nhất mà dân địa phương ở đây thường gọi khi nhắc tới đỉnh núi nhọn hoắt vươn mình sừng sững giữa mây trời. Ngoài ra có người còn gọi là Nhìu Cồ San bố (phân biệt với đỉnh Nhìu Cồ San mẹ ở hướng đối diện) hay người Mông gọi nó là Hâu Pông San.
CHUẨN BỊ
Để lên kế hoạch cho chuyến đi, tất cả thành viên trong đoàn đều phải chuẩn bị từ hành trang cho đến việc luyện tập sức khỏe. Mỗi ngày 1h, đều đặn 2 tuần trước ngày khởi hành là khoảng thời gian các thành viên trong đoàn dành để luyện tập chạy bộ, chuẩn bị sức khỏe sẵn sàng leo núi.
Từ việc lên lịch trình, liên hệ tiền trạm, đến chuẩn bị hành trang cho cả đoàn mang theo trong 3 ngày 3 đêm bao gồm là đồ ăn, nước uống, thuốc men cùng vô số đồ lỉnh kỉnh khác đều do một tay anh An – trưởng đoàn phụ trách.
Địa hình leo núi được xác định là không quá phức tạp, chỉ mất 5 – 6 tiếng là có thể lên tới điểm nghỉ. Từ đó mất khoảng một giờ leo dốc sẽ lên tới đỉnh. Tuy nhiên, do đường lên đỉnh toàn cây bụi, cây gai, gió rất mạnh, thời tiết lại nắng mưa thất thường nên đoàn quyết định thuê thêm hai poster để dẫn đường và hỗ trợ mang đồ dùng cần thiết.
NHỮNG CUNG ĐƯỜNG
Lựa chọn đi là để trải nghiệm nên cả đoàn quyết định đi tàu hỏa từ Hà Nội lên Lào Cai và sau đó thuê xe máy đi lên Y Tý. Có thể đi tàu hỏa với nhiều người là chuyện rất bình thường nhưng với một số thành viên trong đoàn thì đây là lần đầu tiên. Lần đầu được thử cảm giác ngủ đêm trên tàu, tưởng như êm ái có thể ngủ ngon lành mà thành ra cũng rung, cũng lắc lúc ngủ, lúc tỉnh. Tuy mệt nhưng vui, có thể cùng nhau nằm trò chuyện, hàn huyên, tâm sự, điều mà rất ít khi chúng tôi có cơ hội thực hiện.
Có lẽ ít có nơi nào mà các thành viên từ thanh niên đến trung niên, từ trẻ đến già lại cùng chung đam mê và hứng thú với những chuyến đi trải nghiệm như IDTers. Nếu lựa chọn cách đi nhẹ nhàng hơn, đỡ vất vả hơn thì có thể đi thẳng từ thành phố Lào Cai lên Y Tý. Nhưng không, cả đoàn chúng tôi quyết định đi cung đường khác, dài hơn (có thể nói là dài gấp đôi) đồng nghĩa với việc thời gian đi lâu hơn, vất vả hơn cho các thành viên. Khởi hành từ ga Lào Cao, các phượt thủ IDT băng qua biết bao con đường đèo, dốc núi chừng khoảng 70km để tìm đến Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Hành trình đi về phía thượng nguồn con sông Hồng đi qua những bản làng tuyệt đẹp nhưng cũng đầy gian nan. Những con đường lổn nhổn đá lớn bé nằm giữa đường, càng đi càng lên cao dần và ngoằn nghoèo như những con lươn bò, chênh vênh bên vách đá. Xa tít dưới chân núi là những thung lũng trải dài mênh mông, những thửa ruộng nằm gối nhau xanh mướt một màu.
Không những thế, cầm lái xe máy đi đường hơn trăm cây số có lẽ nhiều người đã từng, nhưng nếu phải vượt qua cả trăm cây số đường đèo mới thật là một trải nghiệm hiếm có. Cung đường Lào Cai – Lũng Pô – Y Tý là những con đường quanh co, hiểm trở cùng với nắng với gió, có khi là cả sương, mù giăng kín. Trong khi “Xế” đòi hỏi tay lái lụa, đầu óc tỉnh táo để có thể vượt qua những đoạn đường đầy thử thách thì “Ôm” lại là người thảnh thơi nhất, vừa được thử cảm giác phiêu theo những khúc cua vừa có thể hòa mình với nắng, với mây trời lại được dịp ngắm cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.
Tới Trạm Biên phòng Lũng Pô, đi qua cột mốc số 92 và thấy một cây to - đây là điểm mốc tự nhiên đánh dấu đường biên giới Việt - Trung, bên dưới là bãi bồi giao cắt giữa con suối nhỏ từ núi A Mú Sung của huyện Bát Xát với sông Hồng. Chính đó là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt Nam - Lũng Pô. Sông Hồng bắt nguồn từ núi Ngụy Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) ở độ cao hơn 1.700m đổ vào Việt Nam chính thức từ đây, kéo dài hơn 500km, qua 9 tỉnh, thành phố rồi đổ ra biển qua cửa chính Ba Lạt (Nam Định). Từ mảnh đất Lũng Pô, trên ngọn nguồn của dòng sông Hồng, chúng tôi đứng lặng nhìn dòng sông rực đỏ phù sa đang cuồn cuộn chảy về xuôi, mang sức sống của vùng núi cao tiếp ứng cho mùa màng dưới đồng bằng thêm nặng hạt.
Cả đoàn lại tiếp tục lên xe hướng về Y Tý đến nhà poster A Dè. Buổi tối tại homesatay chúng tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân địa phương, được nghe người Mông kể chuyện về tục bắt vợ, về văn hóa của con người nơi đây. Cả đoàn khách và chủ nhà cùng ngồi lại ăn cơm, chúc rượu, nghe kể chuyện,…thân thiết, gắn bó như anh em trong một gia đình vậy.
LÊN ĐỈNH
Ngày thứ hai của hành trình, cả đoàn dậy từ sáng sớm và chuẩn bị đầy đủ hành trang bắt đầu lên đường cùng với hai anh chàng dẫn đường là A Dè và A Cừ. Từ nhà A Dè, cả đoàn còn phải đi xe máy vượt qua nhiều cung đường đèo, dốc trong lúc trời buổi sớm còn khá nhiều sương, mù để đến được địa điểm gửi xe máy.
Bắt đầu hành trình leo núi, thời tiết lúc này khá đẹp, trời xanh, có nắng, có gió. Thế nhưng càng lên cao hơn, không khí bắt đầu thay đổi, trời càng ngày càng lạnh và những hạt mưa bắt đầu rơi. Ngay lúc này, đã có những bước chân mệt mỏi muốn chùn bước, đã có thành viên cảm thấy khó thở tưởng chừng sẽ không thể tiếp tục. Và rồi, gạt qua mọi nỗi sợ hãi, bỏ qua sự mệt mỏi, thời tiết khắc nghiệt chúng tôi vẫn quyết tâm đi tiếp. Cả đoàn mặc áo mưa, đi ủng lại đứng dậy cầm gậy, khoác balo tiếp tục leo núi. Đường rừng núi bình thường đã khó đi, mưa xuống lại càng dễ trơn trượt và khó đi hơn gấp nhiều lần. Băng qua những khu đồi trọc, những vách đá cheo leo, đến trưa cả đoàn dừng chân tại một khoảng đất khá bằng phẳng để nghỉ ngơi và ăn trưa. Giữa núi rừng bạt ngàn, giữa tiết trời lạnh căm, gió lớn như muốn thổi tung mọi thứ, ai ai cũng mũ nón, áo mưa đi cả đoạn đường dài đã thấm mệt, chỉ cần một lát bánh mì, một nắm xôi thôi cũng đủ ấm lòng. Chưa có bao giờ mà một bữa ăn đơn giản lại ngon một cách lạ thường đến như vậy.
Nghỉ ngơi ăn trưa xong, chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Lúc này, trời đã dừng mưa nhưng vẫn lạnh. Từ điểm ăn trưa lên đến lán nghỉ không còn xa, có lẽ vì thế mà các thành viên hăng hái hơn, quyết tâm cao độ hơn nữa khi biết sắp tiến gần đến đích. Trong khi cả đoàn đang tràn trề hứng khởi thì một thành viên trong đoàn gặp sự cố - chuột rút – căn bệnh đã được tiên đoán trước sẽ gặp phải đối với những người khi leo núi, nhất là trong thời tiết lạnh như vậy. Bằng sự hỗ trợ và các biện pháp nghiệp vụ kịp thời của thanh niên trai tráng trong đoàn, dù đã làm mọi cách nhưng có vẻ đôi chân không chịu nghe lời, cứ đi lại đau. Trong khi đó đoạn đường đến lán nghỉ đã gần ngay trước mặt, theo lời poster chỉ cần đi khoảng 15 phút nữa là tới. Mọi biện pháp không thành, chả có nhẽ đành bất lực hay sao? Chính trong lúc mọi người đang rối bời chưa tìm được cách xử lý thì trưởng đoàn đã nhanh chóng kêu gọi, huy động anh em tương trợ. Người thì cõng, người xách balo, người cầm gậy, cứ thế thay phiên nhau. 15 phút theo lời poster có lẽ cũng phải đi gấp đôi, gấp ba thời gian ấy, đường càng gần đến lán nghỉ lại càng cheo leo, khó đi. Thử tưởng tượng thời tiết thì lạnh như vậy, gió to đến nỗi muốn thổi bay cả người đi, mọi người phải bám đá, bấu víu để cùng dắt nhau lên. Đi một mình đã khó mà cõng thêm một người trên lưng thì lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, sức mạnh của sự đoàn kết tạo nên những điều vĩ đại, cảm giác chung sức là điều bạn sẽ nhớ mãi trong các cuộc chơi. Cuối cùng, chúng tôi đã lên đến điểm nghỉ chân ở độ cao 2.500m. Đỉnh núi tưởng ngay trước mắt mà xa tít tắp. Thanh niên trai tráng còn sung sức lại tiếp tục tìm đường lên đỉnh, chị em phụ nữ yếu đuối tạm dừng chân ở 2.500m. Với chúng tôi, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách để đến được đây như vậy đã là thành công rồi.
Buổi tối tại điểm nghỉ là một đêm thực sự khó quên với tất cả mọi người. Những câu chuyện được kể, những cốc mì san sẻ bên bếp lửa hồng; cùng nhau quây quần ăn tối, cùng kể chuyện, cùng nhau hát thâu đêm. Ngoài kia, gió vẫn gào thét không ngừng, mưa đá vẫn rơi lộp độp lại càng khiến cho tiếng hát càng say sưa, càng vang vọng.
TRỞ VỀ
Sáng hôm sau, cả đoàn rời khỏi núi khi tất cả đã ngập trong ánh nắng chói chang. Khi về, thời tiết đẹp hơn, dễ chịu hơn khiến các thành viên trong đoàn đi không biết mệt, rất nhanh đã xuống chân núi. Càng hạ thấp độ cao, nắng càng làm trời trong xanh hơn. Mây dâng lên khiến những người leo núi có cảm giác được gần hơn với sóng mây đang vần vũ dưới thung lũng. Dù đã đi nhiều nơi, chứng kiến không ít những khung cảnh tuyệt đẹp nhưng những gì trải nghiệm được trong hành trình này quả thực ấn tượng, khó quên với mỗi thành viên trong đoàn.
Nếu như người dân nơi đây còn nhắc mãi những điều bí ẩn về dấu chân lạ trên đỉnh Lảo Thẩn thì với chúng tôi - IDTers sẽ nhớ mãi cái khoảnh khắc cùng nhau đặt chân lên đỉnh, cùng chinh phục và vượt qua chính mình. Và sẽ còn nữa những hành trình như thế, những câu chuyện như thế được viết lên trong hành trình của chúng tôi – đại gia đình IDT.