Hội nghị: “Tổng kết đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”
IDT hân hạnh tham gia sự kiện này.
Buổi sáng ngày 21/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố; về phía doanh nghiệp có Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) với quầy triển lãm thiết bị Scan – Số hóa thông minh, cùng các giải pháp tự động hóa trong thư viện.
Báo cáo tại đề dẫn hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thư viện, bà Vũ Dương Thúy Ngà (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khẳng định, thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đề án đã được triển khai trên khắp các tỉnh, thành phố, tạo sự hưởng ứng sôi nổi trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện lực lượng công an nhân dân, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ...
Tại Hội nghị Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân (Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) có phát biểu rằng hiện nay Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày càng tích cực triển khai các sự kiện kết hợp với trường học để các em học sinh có thể trải nghiệm thực tế về các mốc sự kiện lịch sử. Bà khẳng định Bảo tàng đã từ trong sách tìm ra những từ khóa và từ từ khóa đã viết thành những kịch bản để tạo thành sự kiện thu hút các em học sinh tham gia.
Đại diện Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Như Trang (Trưởng phòng Mạng lưới Thư viện) cho hay Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh có hướng đến ba đối tượng người đọc đặc biệt là:
- Các em ở mái ấm nhà mở: Tổ chức các buổi đọc sách nhóm. Mời các chuyên gia và bác sĩ đến tư vấn về sức khỏe với các em có hoàn cảnh khó khăn hàng ngày phải mưu sinh đề phòng ngừa rủi ro những nguy hiểm từ xã hội. Giúp các em hòa nhập với cộng đồng.
- Các em bệnh nhi ở bệnh viện: Thông qua các sự kiện tổ chức tại bệnh viện như tổ chức đọc sách, tô tượng, vẽ tranh… Thư viện đã biến thời gian thăm khám thành những buổi có ích. Đối với các em bệnh nhi thì có thêm niềm vui, còn đối với những phụ huynh của các em thì còn có thể qua đó tham khảo thêm các tài liệu có ích về sức khỏe để chăm lo cho các em.
- Người khiếm thị: Hoạt động phục vụ người khiếm thị đã được hoạt động từ lâu. Từ năm 1999 Thư viện đã thiết lập phòng đọc Người khiếm thị, tiếp đó 2003 khánh thành studio thu âm sách 1 cho người khiếm thị, 2004 biên dịch cẩm nang phục vụ người khiếm thị, 2007 khánh thành studo thu âm sách 2 cho người khiếm thị.
Có thể nói Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã đi cùng những bạn đọc “đặc biệt” giúp đẩy mạnh việc học tập suốt đời.
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều bài tham luận và trình bày đi sát vào thực tế hoạt động của các thư viện qua đó là kinh nghiệm cho các đơn vị, cá nhân trong việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
_______________________________
Bài viết: Hải Anh.
Hình ảnh: Hải Anh.
Ngày đăng: 28/10/20.