Hội thảo khoa học “Nguồn thông tin kinh tế-xã hội trực tuyến: Mở rộng kết nối & tăng cường chia sẻ”
Chủ tọa Hội thảo gồm đại diện hai Tổ chức. Ông Tạ Đình Xuyên -Phó Giám đốc NCSEIF và Bà Yumiko Murakami , Giám đốc Trung tâm Tokyo OECD.
PGĐ. Tạ Đình Xuyên phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Xuyên cho rằng để có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phục vụ dự báo nghiên cứu hoạch định chính sách thì nguồn thông tin kinh tế-xã hội hiện nay còn thiếu hụt và không đầy đủ, đặc biệt là nguồn thông tin trực tuyến và thông tin từ nước ngoài. Do vậy, rất cần thiết phải xây dựng và tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác và chia sẻ với các đơn vị nghiên cứu, các nhà cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu trong và ngoài nước. Một trong những tổ chức có nguồn thông tin nghiên cứu đáng tin cậy được xếp hàng đầu thế giới đó là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development-OECD).
Bà Yumiko Murakami khẳng định OECD là một tổ chức độc lập được thành lập năm 1961, có Trụ sở chính Paris-France, gồm 34 quốc gia thành viên. Nguồn thông tin dữ liệu của OECD rất phong phú, đa dạng và đáng tin cậy cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Những nhiệm vụ chính của OECD gồm: Nghiên cứu và đề xuất các chính sách nhằm cải thiện kinh tế và phúc lợi xã hội cho các quốc gia thành viên và các quốc gia khác trên thế giới; Cung cấp một diễn đàn cho các chính phủ cùng chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung; Đo lường, phân tích, so sánh các dữ liệu và các tiêu chuẩn nhằm dự đoán xu hướng tương lai; Đề xuất các chính sách để cải thiện cuộc sống của người dân.
Bà Yumiko Murakami , Giám đốc Trung tâm Tokyo OECD phát biểu tại Hội thảo
Đại biểu tham dự hội thảo gồm các đại diện của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia; các đại diện từ một số đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT; đại diện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ; Các đại diện từ các Viện nghiên cứu; Các đại diện từ các trường Đại học; Các Trung tâm thông tin; Thư viện quốc gia Việt nam và thư viện các Bộ ngành và chi hội thư viện chuyên ngành kinh tế.
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe các tham luận từ OECD gồm: Bà Trudy Witbreuk -Trưởng bộ phận Phát triển, Ban Thương mại và Nông nghiệp OECD trình bày về phương pháp luận, mô hình và đo lường và xây dựng dữ liệu trong phân tích dữ liệu và hoạch định chính sách của Ban Thương mại và Nông nghiệp thuộc tổ chức OECD; Ông Kelvin Poh- Đại diện kinh doanh xuất bản phẩm của OECD khu vực Châu Á Thái Bình Dương trình bày về nguồn lực thông tin của OECD phục vụ nghiên cứu hoạch định chính sách; Ông cho biết tất cả dữ liệu của OECD được đệ trình bởi chính phủ các quốc gia thành viên và không thành viên của OECD. OECD xuất bản các kết quả nghiên cứu và dữ liệu của họ dưới các hình thức truyền thông sau: Tài liệu in (sách, tạp chí, báo cáo…); PDF files; CSDL thống kê. OECD iLibrary: Là thư viện trực tuyến của OECD chứa các tài liệu như sách, tạp chí, báo cáo, kết quả nghiên cứu, số liệu thống kê… và là cổng thông tin kết nối tới các phân tích và dữ liệu của OECD; Các ấn phẩm điện tử được phát hành bởi OECD từ năm 1998; Tài liệu có trong OECD iLibrary: 9 270 ebook; 35.600 chương bài; 68.770 bảng biểu; 3.650 bài báo; 3 780 tóm tắt đa ngôn ngữ; 4 170 báo cáo; 5 tỷ điểm dữ liệu; 42 bộ dữ liệu; Các báo cáo và tạp chí được cung cấp dưới dạng pdf; bảng và biểu đồ dưới dạng excel; CSDL thống kê tương tác chứa các dữ liệu được thu thập từ hơn 80 nước trên thế giới, với phạm thời gian vi từ những năm 1960 cho đến những năm gần đây.
Các tham luận của NCSEIF do PGS, TS. Đỗ Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia trình bày tham luận về ”Hệ thống thông tin phục vụ phân tích và dự báo kinh tế-xã hội tại NCSEIF”; Đây là Hệ thống thông tin mà Trung tâm đang triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Đồng thời, Ông Thành cũng chia sẻ kinh nghiệm với phía OECD về những khó khăn gặp phải trong quá trình thu thập và xử lý số liệu cho Hệ thống; giới thiệu sơ bộ một số kết quả đạt được ban đầu của Hệ thống. ThS. Hoàng Kim Dung-Trưởng ban Nguồn và Phát triển Thông tin trình bày về nguồn lực thông tin hiện có của NCSIEF và nêu các giải pháp nhằm thiết lập mô hình liên kết và chia sẻ nguồn lực thông tin số phục vụ công tác dự báo và hoạch định chính sách. Bà Dung cũng chia sẻ với các đại biểu với kết quả của Dự án sắp đi vào hoạt động như Thư viện điện tử... trên cơ sở kết quả của CSDL tư liệu toàn văn kinh tế-xã hội. Hiện CSDL này có hơn 12000 nghiên cứu toàn văn mà NCSEIF đang lưu giữ trực tuyến có thể chia sẻ trong tương lai. Bà cũng hy vọng đề án số hóa các tài liệu nghiên cứu hiện có sớm thành hiện thực để có thể kết nối và chia sẻ trong tương lai.
Với mục tiêu: Thúc đẩy cơ hội tiếp cận các nguồn lực thông tin trực tuyến nghiên cứu của tổ chức OECD; Tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu/chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm khai thác sử dụng nguồn thông tin trực tuyến trong quá trình nghiên cứu hoạch định chính sách; Là cơ hội để các nhà nghiên cứu NCSEIF giới thiệu nguồn lực thông tin của Trung tâm với OECD, với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các thư viện, các trung tâm thông tin và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với OECD trong việc tạo lập dữ liệu phục vụ nghiên cứu cũng như trong việc mở rộng kết nối tăng cường chia sẻ trực tuyến các nguồn tin.
Kết thúc Hội thảo, bà Yumiko Murakami đánh giá Hội thảo đã thành công tốt đẹp với các mục tiêu đề ra. Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu, trong tạo lập dữ liệu phục vụ nghiên cứu, trong chia sẻ các nguồn thông tin trực tuyến giữa các chuyên gia của OECD với Việt nam. Bà cũng hy vọng rằng đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho hợp tác song phương giữa OECD và NCSEIF./.
Trích nguồn: NCSEIF