QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ THÁO GỠ NÚT THẮT VỀ BẢN QUYỀN SỐ HÓA TÀI LIỆU TRONG THƯ VIỆN.
Các điều chỉnh, bổ sung của Luật SHTT liên quan đến hoạt động thư viện
Sau khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật) được thông qua ngày 16/6/2022. Với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, Luật đã điều chỉnh toàn diện nhiều nội dung liên quan đến quyền tác giả, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…
Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả như sau:
“Điều 25. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
a) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;
b) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
c) Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này;
d) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;
đ) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;
e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;
g) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;
i) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;
k) Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền;
l) Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;
m) Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 25a của Luật này.
2. Việc sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
3. Việc sao chép quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Chúng ta thấy có khá nhiều điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung có liên quan đến các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập là các hoạt động rất gần và diễn ra phổ biến trong thư viện, ví dụ như:
- Tự sao chép cho nghiên cứu, học tập cá nhân;
- Sao chép một phần tác phẩm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập;
- Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước
- …
Tuy nhiên trên góc độ thư viện, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là các quy định về bản quyền tác giả có liên quan đến số hóa tài liệu và liên thông thư viện. Như vậy có nghĩa là điểm (e) chính là điểm cần được quan tâm và phân tích nhiều nhất. Dẫn chiếu nguyên văn Điểm (e), Khoản 1, Điều 25:
“e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;”
Quy định mới của Luật SHTT có thể sẽ là lối thoát cho Số hóa/ CĐS Thư viện?
Với các nội dung quy định nói trên có thể là “tín hiệu” tích cực cho các thư viện trong thời gian tới. Chúng ta cùng phân tích dưới đây:
- Thư viện được phép số hóa tài liệu để lưu trữ với điều kiện phải đánh dấu là bản sao lưu trữ. Điều này là chắc chắn và đã được quy định rõ ràng. Nó sẽ giúp bảo quản và bảo tồn tài liệu.
- “Giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện”. Tuy nhiên quy định pháp luật về thư viện là khuyến khích và tạo điều kiện cho việc tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện, trừ các nguồn tài nguyên thuộc diện “hạn chế”. Vì vậy có thể hiểu là thư viện có thể phục vụ tài liệu số khi độc giả có yêu cầu hợp lý.
- Được phép sao chép “hợp lý một phần” cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập. Điều này có nghĩa là thư viện được phép sao chụp, photocopy một phần tài liệu để phục vụ hoạt động nghiên cứu học tập của bạn đọc. Tuy nhiên thế nào là “một phần tác phẩm”, 1 chương 1 bài hay với tỷ lệ bao nhiêu % thì Luật chưa có quy định cụ thể.
- Được phép “sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính”. Tức là được truyền liên thông tài liệu số với điều kiện hạn chế số lượng người đọc tại cùng một thời điểm. Không áp dụng nếu đã có bản KTS trên thị trường. Đây là một điều rất mở cho liên thông thư viện nhưng cũng có thể dễ trở thành “cái bẫy” nếu không biết (vô tình hoặc cố tình) sự hiện diện của một bản sao kỹ thuật số đã có sẵn trên thị trường.
Như vậy các quy định mới ban hành, sửa đổi và bổ sung của Luật SHTT. Có thể nói đã có định hướng tháo gỡ những nút thắt trong việc số hóa tài liệu và chuyển đổi số của các thư viện. Điều quan trọng nhất là chính các quy định này sẽ nâng cao đáng kể khả năng tiếp cận thông tin của bạn đọc. Có thể sẽ có thêm các hướng dẫn chi tiết từ các văn bản dưới Luật sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới. Trong lúc này điều mà các thư viện có thể làm là:
- Số hóa để lưu trữ, lưu ý gắn dấu bản sao.
- Sử dụng có hạn chế các tài liệu số (hạn chế theo phạm vi địa lý hoặc đối tượng/số lượng bạn đọc), phục vụ hợp lý nhu cầu của bạn đọc.
- Tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ, phần mềm để quản lý truy cập và bảo vệ bản quyền số.
- Thư viện có thể tạo nguồn thu từ việc phục vụ tài liệu số (không kinh doanh)? Theo ý kiến của một số chuyên gia, điều này có thể làm trong một mức độ và hình thức hợp lý. Vấn đề này cần được trao đổi thêm.
Nhìn chung, các điều chỉnh bổ sung của Luật SHTT ban hành tháng 6/2022 là những điều rất tích cực cho ngành thư viện, đặc biệt là cho các kế hoạch chuyển đổi số đang được hưởng ứng và triển khai tại nhiều đơn vị. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào khi tiến hành số hóa và phục vụ tài liệu số, người làm công tác thư viện phải luôn nắm rõ luật, tôn trọng quyền tác giả, và không được phép thực hiện bất cứ hành vi nào có phương hại đến lợi ích của tác giả.