Thư viện đứng trước vấn nạn thông tin sai lệch, bịa đặt, thiếu căn cứ có trong xã hội hiện nay
1. Đặt vấn đề:
Xã hội ngày nay còn được biết đến là xã hội của một kỷ nguyên thông tin với lượng tin tức, tài liệu, các sản phẩm dạng âm thanh, hình ảnh… phát triển mạnh mẽ cung cấp một lượng thông tin dồi dào, phong phú, đa dạng, và đôi khi là quá tải với mỗi cá nhân khai thác, sử dụng. Hàng loạt các ứng dụng mạng xã hội ra đời như Facebook, Youtube, Tumblr, Instagram, Zalo, Skype, Witter… đã cung cấp hàng nghìn, thậm trí hàng triệu tài khoản mỗi năm cho người sử dụng, để rồi từ đó tạo ra một mạng lưới sáng tạo thông tin khổng lồ với đủ loại thông tin khác nhau về văn hóa, lịch sử, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật… dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau hoặc tích hợp như video, ghi âm, ảnh chụp, hình vẽ điện tử, tài liệu dạng số hóa… Mỗi giây, mỗi phút trôi qua có hàng nghìn, hàng triệu, đỉnh điểm có thể lên tới cả hàng tỷ thông tin được sáng tạo ra trên thế giới được chia sẻ (share), lưu trữ (save), ghi lại (record) thông qua các app ứng dụng, các mạng xã hội. Chính vì sự bùng nổ lớn như vậy nên sự kiểm duyệt về mặt chất lượng và nội dung đôi khi rất không chặt chẽ, các nhà cầm quyền, quản lý, cơ quan sáng tạo ứng dụng không thể kiểm soát nổi hết lượng thông tin khổng lồ này. Vấn đề được quan tâm nhất ở đây là đối với những thông tin thuộc dạng chính thức, có ích với xã hội, đánh giá đúng hiện trạng của vấn đề thì sẽ là lợi ích vô cùng đối với mỗi người dùng tin khai thác nó; nhưng lại có những loại thông tin thiếu căn cứ, sai lệch, bịa đặt về các vấn đề (tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội…) thì đó là điều đáng quan ngại, gây ảnh hưởng xấu đến những người dùng tin.
Đứng trước một hiện trạng đầy biến động, xáo trộn nhưng cũng không kém phần đa dạng thông tin thế này thì thư viện có một vị trí đứng khá quan trọng trong xã hội mà ít ai để ý và quan tâm tới. Vị trí đó có thể hiểu là thư viện với định nghĩa là một thiết chế quan trọng của xã hội, có vai trò là cung cấp thông tin chính xác, khoa học, đầy đủ, tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn trong phạm vi luật pháp hiện hành tại Quốc gia chủ thể cho phép để phục vụ nhu cầu tin cho người dùng tin, cung cấp các thông tin bổ ích về giáo dục, y tế, xã hội… Mà để cung cấp các thông tin chính xác, thay thế hay đính chính các thông tin sai lệch có trên mạng xã hội thì thư viện trong nhiều năm qua đã không ngừng thay đổi, củng cố cả về mặt chất lẫn mặt lượng trong hoạt động của mình.
Trong phạm vi giới hạn của bài viết tác giả chỉ xin đề cập đến những nỗ lực chung của thư viện tại Việt Nam, cụ thể phân chia theo bốn loại hình thư viện (căn bản) theo chức năng và nhiệm vụ mà mỗi loại hình thư viện đó hướng tới.
2. Hiện trạng cung cấp thông tin của một số loại hình thư viện (căn bản) tại Việt Nam:
2.1. Hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam cung cấp thông tin về đường lối xây dựng, chính sách và phương hướng của Đảng và Nhà nước đính chính lại các thông tin bịa đặt, phản động:
Có thể nói Hệ thống thư Quân đội nhân dân Việt Nam là một mạng lưới thư viện lớn với Thư viện Quân đội đứng đầu¸ dưới đó là hệ thống sáu loại hình thư viện lớn đứng ngang bằng nhau: Thư viện tổng cục, Thư viện Quân khu, Thư viện Quân chủng, Thư viện binh chủng, Thư viện Quân đoàn (Binh đoàn), Thư viện học viện (nhà trường/ viện).
Trực thuộc dưới sáu loại thư viện này một loạt hệ thống của các Thư viện cục, Thư viện trường, Thư viện bệnh viện đoàn an dưỡng, Thư viện nhà máy/ xí nghiệp, Thư Sư đoàn, Thư viện Tỉnh đội, Thư viện Lữ đoàn/ Trung đoàn, Thư viện Viện nghiên cứu,…
Cuối cùng cho đến lớp thư viện nhỏ trực thuộc ở dưới nữa là Thư viện Trung đoàn, và sau đó là các Tủ sách phòng Hồ Chí Minh tiểu đoàn, đại đội.
Ngay từ đầu, ý thức được việc quan trọng của thư viện Chính phủ ta đã ban hành trong Nghị quyết hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (10/1946), ở phần nói về công tác chính trị mục (d) đã có ghi “Tổ chức thư viện trong bộ đội”. Vì là Hệ thống thư viện trực thuộc đơn vị sự nghiệp Chính trị của Nhà nước, phục vụ trực tiếp các lực lượng vũ trang, quân đội nhân dân… nên trong toàn bộ Hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam đều có những tài liệu chính trị, đặc biệt là các tài liệu về xây dựng, tổ chức nhà nước Chủ nghĩa Xã hội, cùng các tài liệu về Đảng, chính quyền có thể kể đến một số tài liệu tiêu biểu như: Tuyển tập Hồ Chí Minh, C.Mác và Ph. Ăng – ghen toàn tập, V.I.Lênin tuyển tập… Những tài liệu có trong Hệ thống thư viện là những tài liệu được lựa chọn kĩ càng, cẩn thận đi theo đúng phương hướng phát triển của Nhà nước, loại bỏ những tài liệu độc hại, chống phá Chủ nghĩa Xã hội.
Trong thời đại hiện nay, mạng xã hội với tốc độ truyền tin nhanh chóng, các trang phản động như Nhật ký yêu nước, Việt Tân… ra đời trên facebook với nhiều bài viết, hình ảnh sai lệch về chính trị - xã hội trong nước hòng công kích, châm ngòi làn sóng phản đối nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam lại có rất nhiều tài liệu chính trị có giá trị cao giúp đội ngũ cán bộ công chức thức tỉnh bởi những thông tin sai lệch, bịa đặt của bè lũ phản động. Các tài liệu đa dạng, phong phú về các chính sách, quyết định và phương hướng phát triển của Nhà nước giúp người dùng tin (ở đây là các cán bộ nhà nước, các chiến sĩ…) không bị lung lay bởi những thông tin về tư tưởng chính trị sai trái, hiểu rõ đúng bản chất về xây dựng của nhà nước Chủ nghĩa Xã hội.
2.2. Thư viện trực thuộc Học viện/ Đại học cung cấp thông tin khoa học có chất lượng giúp loại bỏ các thông tin thiếu căn cứ, sai lệch:
Thư viện trực thuộc các Học viện/ Đại học ở Việt Nam vốn là đơn vị thư viện có lượng tài liệu dồi dào, phong phú, phục vụ cho đối tượng người dùng tin có trình độ cao (sinh viên, giảng viên, học viên cao học…). Loại hình thư viện này có những bộ sưu tập về các chủ đề liên quan đến chuyên ngành trường đào tạo dưới nhiều dạng khác nhau. Đặc biệt các thư viện trực thuộc Học viện/ Đại học còn quản lý vốn tài liệu nội sinh của trường là các đề tài nghiên cứu khoa học, các công trình luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ, các bài giảng do giảng viên nhà trường biên soạn… có hàm lượng thông tin khoa học cao bám sát vào các lĩnh vực chuyên môn khoa học về cả mặt lý luận, lẫn ứng dụng thực tiễn. Các loại tài liệu này thường có cái nhìn bao quát về một khoảng thời gian dài trong xã hội về các vấn đề học thuật, kèm theo đó là những bảng biểu, số liệu thống kê, các hình ảnh mô hình… những số liệu đáng tin cậy được các chuyên gia đánh giá, thẩm định. Vì vậy người dùng tin có thể dùng những thông tin sẵn có đó đối chiếu, so sánh đối với các thông tin tương tự đang được công bố, giới thiệu, phát tán trên mạng xã hội xem có thật sự đúng hay không.
Không chỉ vậy người dùng tin tại các thư viện loại này còn được khai thác những bộ sưu tập tài liệu có giá trị như đã kể trên để phục vụ không chỉ trong công việc nghiên cứu, học tập, giảng dạy của mình là còn giúp hiểu sâu hơn về các lĩnh vực xã hội – văn hóa – chính trị thông qua các vấn đề mà các tài liệu nghiên cứu, đề cập tới.
Trong bối cảnh toàn cầu đang bùng nổ thông tin tri thức, các luồng tin sai trái được phát tán khắp nơi trên mạng xã hội, chỉ cần một thao tác “clik” ngay lập tức chúng ta đã có thể sa lầy vào một mê cung của thông tin giả - thật không phân biệt được, để rồi chịu nhiều tác hại do hậu quả đi nhầm hướng. Có tri thức sẵn trong mình luôn giúp ta được nhiều việc, nhìn rõ ràng nhất là ta có đủ khả năng để đánh giá, sàng lọc, phân tích, thậm chí là lựa chọn tiếp nhận những thông tin mà ta không mong muốn.
Bản thân trong những thư viện loại này cũng có những tài liệu thuộc dạng tuyên truyền về chính sách và đường lối của Đảng như đã nói ở Hệ thống thư viện Quân đội nhân dân, chỉ có điều là không phong phú và đa dạng, phần nhiều chỉ dừng ở mức độ căn bản, hoặc có chuyên sâu thì liên quan mật thiết đến vấn đề đào tạo – giáo dục ở trường.
Xét về mặt tổng quan thư viện Học viện/ Đại học là một trong những loại hình thư viện hoạt động khá mạnh, với lượng người dùng tin hàng năm đông đảo, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và học tập bằng các dịch vụ và sản phẩm thông tin của mình thông qua nguồn tài nguyên thông tin chất lượng, góp phần kiến tạo, hình thành nên các thông tin chính xác, khoa học, có dẫn chứng loại bỏ các thông tin sai lệch, bịa đặt có trong xã hội ảo cũng như thực hiện nay.
2.3. Thư viện của các ban, ngành, viện nghiên cứu chuyên môn cung cấp các thông tin chuyên sâu về các lĩnh vực khoa học giúp đánh giá, chọn lọc thông tin chính xác:
Về cơ bản thư viện của các ban, ngành, viện nghiên cứu chuyên môn sẽ giống như thư viện trực thuộc Học viện/ Đại học vì đều có những loại tài liệu có hàm lượng khoa học cao về các vấn đề mà thư viện đó liên quan, các tài liệu về chính trị. Ngoài ra ở loại hình thư viện này vốn tài liệu nội sinh cũng có, là các đề tài nghiên cứu của các cán bộ hiện đang làm việc tại ban, ngành, viện nghiên cứu đó.
Ở loại hình thư viện này chỉ có một điều đáng lưu ý đó là thư viện của một ban, ngành hay của một viện nghiên cứu thì chỉ có những tài liệu phần nhiều thuộc lĩnh vực mà ban, ngành hay viện nghiên cứu đó phụ trách không được đa dạng như ở các thư viện trực thuộc Học viện/ Đại học. Nhưng cũng chính ở đặc điểm này đã giúp cho loại thư viện này cung cấp những thông tin mang tính chất chuyên biệt, phục vụ cho các đối tượng người dùng tin có chọn lọc không bị lẫn lộn bởi nhiều thông tin khác nhau. Ví dụ cụ thể như tài liệu ở Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật thì chỉ chuyên các loại tài liệu về tổ chức, quản lý Nhà nước cùng các văn kiện, Bộ luật,.. thì chỉ phục vụ những người quan tâm đến vấn đề này, do đó định hướng người dùng tin được chuẩn xác hơn, việc khai thác sử dụng sẽ tốt hơn so với việc người dùng tin ở thư viện trực thuộc Học viện/ Đại học với nhiều loại tài liệu có liên quan đến vấn đề mình quan tâm ở nhiều mức độ: nhiều, ít, rất ít, thậm chí là không liên quan dẫn đến việc lựa chọn tìm tài liệu để khai thác bị ảnh hưởng.
Nhờ những thông tin chuyên sâu như vậy người dùng tin có khả năng đánh giá chính xác cao những điều mình đang quan tâm, không bị ảnh hưởng bởi các thông tin khác được lan truyền trên các trang mạng, ứng dụng xã hội. Người dùng tin sẽ có kiến thức, lập trường đúng đắn để không bị trường hợp có quá nhiều nguồn tin không chính thức, không đáng tin, thậm chí là sai lầm làm rối tin, nhiễu tin.
Các thông tin được tiếp thu từ các công trình nghiên cứu của các bộ trong các viện, ban, ngành nghiên cứu còn rất có giá trị về nhiều mặt, giúp cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước về mặt lý luận học thuật khoa học, thậm chí là ứng dụng thực tiễn ra xã hội được thư viện trực thuộc tổ chức và quản lý một cách có quy tắc; để rồi sau đó trở thành những bộ thư mục, tóm tắt, biên mục mô tả… để đem ra phục vụ những nhà nghiên cứu để sau này sáng tạo ra các công trình nghiên cứu khoa học dựa trên tiền đề những giá trị thông tin cũ đó. Các thông tin khoa học có giá trị cứ thế được tiếp diễn góp phần xây dựng kiến tạo xã hội tri thức, người dùng tin có đủ năng lực để đánh giá thông tin hữu dụng có trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, giảm thiểu tình trạng bị các thế lực xấu thao túng, lợi dụng, lừa đảo.
2.4. Thư viện công cộng với đa dạng thông tin có thẩm định giúp so sánh với các thông tin có trong xã hội:
Hệ thống thư viện công cộng tại Việt Nam là hệ thống thư viện có rất nhiều loại hình tài liệu (báo, tạp chí, sách, đĩa, dạng số, ảnh, tranh vẽ…) với đa dạng nội dung khác nhau (khoa học thường thức, văn hóa, kinh tế, xã hội…). Chính vì vậy có thể nói các hoạt động về phục vụ người dùng tin ở loại hình thư viện này khá phong phú.
Ở Hệ thống thư viện công cộng Việt Nam có rất nhiều hoạt động phục vụ cho người dùng tin dưới các dịch vụ khác nhau, có thể kể đến vài hoạt động tiêu biểu như:
- Xe lưu động sách, báo/ Mô hình thư viện di động (library mobile): đưa vốn tài liệu đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa hay đến các tuyến điểm phục vụ sách báo cho học sinh ở các trường học, người dân ở các huyện, thôn, xã… trong các dịp đã định sẵn, lên kế hoạch hay vào mùa lễ hội.
- Tổ chức triển lãm, hội thảo, sự kiện chuyên đề: Thường ở Hệ thống thư viện công cộng tại Việt Nam hay tổ chức các buổi sự kiện liên quan đến “sách”. Ta có thể thấy các Hội thi giới thiệu sách, Tác giả sách đến giao lưu… Thậm chí các buổi triễn lãm tài liệu theo chuyên đề về các danh nhân, lịch sử, sự kiện lớn của đất nước (Chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô, Kỷ niệm ngày sinh/ mất của một danh nhân, Kỷ niệm công tác hoạt động Chính trị…). Cũng có những sự kiện khác liên quan đến các hoạt động vui chơi cho các bé thiếu nhi, đào tạo sử dụng công nghệ tin,… khá là đa dạng.
- Giới thiệu sách: trong thời đại công nghệ như hiện nay, ngoài sử dụng các bộ thư mục chuyên đề truyền thống, cùng các bài tóm tắt, thông báo sách mới có tại thư viện thì các thư viện công cộng còn sử dụng đến các ứng dụng mạng xã hội như facebook, youtube, hay có một trang web riêng về thư viện (cổng thông tin thư viện) để giới thiệu sách.
Về cơ bản tại Hệ thống thư viện công cộng ở Việt Nam có những dịch vụ khá nổi bật như đã nêu ở trên, qua đó có thể thấy sự hoạt động sôi nổi của các thư viện công cộng trong công tác tuyên truyền, đưa sách báo đến với người dân.
Ở đây phải lưu ý rằng chính vì các hoạt động của Hệ thống thư viện công cộng trực tiếp ảnh hưởng đến người dùng tin là toàn bộ quần chúng nhân dân theo nhiều tầng lớp xã hội, trình độc học vấn, hay giới tính khác nhau nên tài liệu phải được lựa chọn, kiểm duyệt kĩ càng có giá trị tham khảo thông tin cho người dân. Về cơ bản các tài liệu có trong các thư viện loại này phải đáp ứng hai yêu cầu tối thiểu đó là không chống phá Chủ nghĩa Xã hội/ Nhà nước/ Chính phủ; và những dạng tài liệu đồi trụy, gây suy đồi đạo đức, vu khống, sai sự thật. Ngoài ra, để nhấn mạnh về tầm quan trọng và giá trị của vốn tài liệu có trong các thư viện công tác giả xin trích đoạn điều 4 đến điều 6 chương 3: Tổ chức và hoạt động của thư viện trong Nghị định Số 72/2002/NĐ – CP: Nghị định Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thư viện của Chính phủ ban hành ngày 06/08/2002 như sau:
Điều 4. Thư viện công cộng
Thư viện công cộng là thư viện có vốn tài liệu tổng hợp thuộc mọi ngành, lĩnh vực khoa học, phục vụ rộng rãi mọi đối tượng bạn đọc.
Thư viện công cộng bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập (sau đây gọi là thư viện cấp tỉnh), thư viện do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành lập (sau đây gọi là thư viện cấp huyện), thư viện do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập (sau đây gọi là thư viện cấp xã).
Thư viện Quốc gia Việt Nam chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa - Thông tin. Thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan văn hóa - thông tin cùng cấp.
Điều 5. Vị tri, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam
Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực sau:
1. Xây dựng và bảo quản kho tàng xuất bản phẩm dân tộc, thu thập và tàng trữ tài liệu về Việt Nam của các tác giả trong nước và nước ngoài;
2. Luân chuyển, trao đổi tài liệu giữa các thư viện trong nước và nước ngoài;
3. Thu nhận các xuất bản phẩm lưu chiểu trong nước theo Luật Xuất bản, các luận án tiến sĩ của công dân Việt Nam được bảo vệ ở trong nước và nước ngoài, của công dân nước ngoài được bảo vệ tại Việt Nam;
4. Biên soạn, xuất bản thư mục quốc gia và phối hợp với thư viện trung tâm của các Bộ, ngành, hệ thống thư viện trong nước biên soạn Tổng thư mục Việt Nam;
5. Nghiên cứu thư viện học, thư mục học; hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện trong cả nước theo sự phân công của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Điều 6. Quyền và nhiệm vụ cụ thể của thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được quy định tại Điều 18 Pháp lệnh Thư viện được cụ thể hóa như sau:
1. Thư viện cấp tỉnh
a) Sưu tầm, bảo quản vốn tài liệu cổ, quý hiếm hiện có ở địa phương; thu thập, tàng trữ, bảo quản tài liệu được xuất bản tại địa phương và viết về địa phương; tổ chức phục vụ bạn đọc vốn tài liệu này nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển địa phương;
Sở Văn hóa - Thông tin sau khi thu nhận lưu chiểu các xuất bản phẩm địa phương theo quy định của Luật Xuất bản, có trách nhiệm chuyển giao cho thư viện cấp tỉnh mỗi tên tài liệu ít nhất 01 bản;
b) Tham gia xây dựng thư viện cấp huyện, cấp xã, thư viện, tủ sách cơ sở; xây dựng vốn tài liệu luân chuyển, tổ chức việc luân chuyển sách, báo xuống các thư viện cấp huyện, thư viện cấp xã, thư viện, tủ sách cơ sở; tổ chức thư viện lưu động phục vụ nhân dân trên địa bàn;
c) Chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ đối với thư viện cấp huyện; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện; phối hợp hoạt động, trao đổi tài liệu với các thư viện do cơ quan, tổ chức của địa phương thành lập.
2. Thư viện cấp huyện
a) Xây dựng thư viện cấp xã, thư viện, tủ sách cơ sở; tổ chức luân chuyển sách, báo xuống thư viện cấp xã, thư viện, tủ sách cơ sở; xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ cho thư viện cấp xã, thư viện do các cơ quan, tổ chức của địa phương thành lập.
3. Thư viện cấp xã
a) Tổ chức phục vụ sách, báo cho nhân dân tại cơ sở;
b) Xây dựng phong trào đọc và làm theo sách, báo; hình thành thói quen đọc sách, báo trong nhân dân địa phương. [4]
Những thông tin chính xác, có kiểm duyệt ở các thư viện công cộng giúp người dùng tin so sánh với các thông tin có trong xã hội hiện nay để xác định đúng hướng đi cho cuộc sống, công việc, sở thích cá nhân của mình.
3. Giải pháp về công nghệ giúp phổ biến và tổ chức thông tin có giá trị, có căn cứ, chính xác của một số loại hình thư viện (căn bản) tại Việt Nam:
Trên thực tế có rất nhiều giải pháp giúp phổ biến và tổ chức thông tin của các thư viện Việt Nam. Có thể chia ra thành nhiều nhóm giải pháp như Nhóm giải pháp về quản lý, lãnh đạo (các quy chế, chính sách, cách vận hành để tổ chức và phổ biến thông tin trong thư viện do các ban lãnh đạo đưa ra), Nhóm giải pháp về dịch vụ và sản phẩm thông tin (các dịch vụ và sản phẩm thông tin đa dạng giúp phục vụ nhu cầu của người dùng tin được tốt), Nhóm giải pháp đào tạo (đào tạo cán bộ thư viện có chuyên môn để phục vụ người dùng tin được tốt, và ngược lại tổ chức các buổi đào tạo kiến thức thông tin cho người dùng tin để có thể khai thác tối đa các tài nguyên thông tin có trong thư viện), Nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ (đầu tư các trang thiết bị công nghệ để phục vụ tốt người dùng tin trong quá trình khai thác và sử dụng thông tin tại thư viện)… Vì tính chất của vấn đề, và phạm vi nghiên cứu còn khá rộng và chuyên sâu nên bài viết này tác giả chỉ xin đề cập đến một số giải pháp chính trong Nhóm giải pháp về công nghệ của một số loại hình thư viện (căn bản) tại Việt Nam là Hệ thống thư viện Quân đội nhân dân Việt Nam; Thư viện trực thuộc Học viện/ Đại học; Thư viện của các ban, ngành, viện nghiên cứu; Thư viện công cộng về việc phổ biến và tổ chức thông tin có giá trị, có căn cứ, chính xác để tham khảo cho vấn đề “Thư viện đứng trước vấn nạn thông tin sai lệch, bịa đặt, thiếu căn cứ có trong xã hội hiện nay”.
3.1. Thư viện sử dụng, cung cấp các nguồn Cơ sở dữ liệu có giá trị thông tin về khoa học:
Theo xu hướng công nghệ hiện nay, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin bằng các dạng tài liệu truyền thống thì việc mua các bộ Cơ sở dữ liệu có giá trị để phục vụ cho người dùng tin cũng là một lựa chọn khá phổ biến tại các thư viện, nhất là các thư viện trực thuộc các viện, ban, ngành nghiên cứu hay trực thuộc các trường đại học, học viện. Các bộ cơ sở dữ liệu có giá trị cao về mặt khoa học, giúp người dùng tin trong việc học tập và nghiên cứu của mình.
Có thể kể đến vài bộ Cơ sở dữ liệu hiện nay đang được hay sử dụng như:
(1) Bộ Cơ sở dữ liệu Worldbank eLibrary của Ngân hàng Thế giới:
Ngân hàng thế giới World Bank là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1944, có trụ sở chính tại Washington, D.C, USA với hơn 188 quốc gia thành viên. Thông qua việc thực hiện và phát hành các nghiên cứu về nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội bao gồm tài chính, sức khỏe, giáo dục, biến đối khí hậu, thương mại, năng lượng, hiệu quả của viện trợ, chính sách phát triển và tình trạng nghèo, World Bank mong muốn giúp đỡ các nước đang phát triển xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Thư viện điện tử World bank eLibrary là một trang web được xây dựng trên nền tảng tiên tiến cung cấp tất cả sách báo, tạp chí và văn bảo dự thảo của World Bank được phát hành năm 1990s (khoảng 9000 cuốn) với 28 chủ đề chính liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ngoài nội dung đầy đủ các ấn phẩm của WB, thư viện điện tử WB eLibrary còn cung cấp một loạt các công cụ và tính năng đặc biệt giúp người dùng tiết kiệm thời gian tìm kiếm trong quá trình nghiên cứu (công cụ tìm kiếm nâng cao, công cụ lọc kết quả tìm kiếm theo tùy chọn, lưu kết quả tìm kiếm,….) thư viện điện tử WB elibrary là nguồn cung cấp tài liệu quan trọng, tiện dụng phù hợp cho nhu cầu đặc trưng của các thư viện, những người nghiên cứu và các tổ chức học thuật.
(2) Bộ Cơ sở dữ liệu Liên hợp quốc UN - iLibrary:
Liên Hiệp Quốc (United Nation) là một tổ chức quốc tế có mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.Trong 70 năm kể từ khi thành lập đến nay, Liên Hiệp Quốc có 193 thành viên, bao gồm hầu hết các quốc gia có chủ quyền trên Trái Đất.
UN - iLibrary là thư viện trực tuyến của Liên Hợp Quốc bao gồm các ấn phẩm, tạp chí, dữ liệu được xuất bản bởi Ban thư ký, các quỹ và chương trình của Liên Hợp Quốc. Mỗi năm, có khoảng 500 đầu sách mới được bổ sung vào UN-iLibrary. Hiện tại, bộ CSDL có 7.660 đầu sách điện tử, 112.000 chương bài, 7.180 tạp chí về các chủ đề chính: hòa bình và an ninh thế giới, nhân quyền, phát triển kinh tế xã hội, thương mại quốc tế, biến đổi khí hậu, luật pháp quốc tế, quản trị, y tế,…
Tổ chức quốc tế toàn cầu duy nhất xử lý các quy tắc thương mại giữa các quốc gia. Trọng tâm là các hiệp định WTO, được đàm phán và ký kết bởi phần lớn các quốc gia thương mại của thế giới và được phê chuẩn trong Quốc hội của họ.
(3) Bộ Cơ sở dữ liệu WTO - iLibrary:
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tổ chức quốc tế toàn cầu duy nhất xử lý các quy tắc thương mại giữa các quốc gia. Trọng tâm là các hiệp định WTO, được đàm phán và ký kết bởi phần lớn các quốc gia thương mại của thế giới và được phê chuẩn trong Quốc hội của họ. Mục tiêu là để đảm bảo rằng giao dịch diễn ra suôn sẻ, có thể dự đoán và tự do nhất có thể.
WTO iLibrary là thư viện trực tuyến của WTO xuất bản khoảng 70 nhan đề mới mỗi năm trong vấn đề thương mại. Một số chủ đề bao gồm nông nghiệp và an toàn thực phẩm, tranh chấp, thương mại chính phủ, trí tuệ, tài sản, thông tin và thương mại điện tử, giám sát tài chính và thương mại… Hầu hết nội dung có sẵn để truy cập ở định dạng PDF cho người đăng ký, nội dung gần đây cũng được cung cấp ở định dạng ePub và HTML.
3.2. Sử dụng các thiết bị số hóa giúp lưu trữ, phổ biến các tài liệu có giá trị ở thư viện:
Hiện nay đa số các thư viện tại Việt Nam đều có xu hướng số hóa tài liệu để lưu trữ, và phục vụ bạn đọc được tốt hơn.
Theo ông Dương Đình Hòa (Giám đốc Công ty IDT) thì các thiết bị số hóa chuyên dụng cho sách hiện có những loại sau:
- Máy quét dạng trên cao (over-head scanner): sử dụng camera từ trên cao chụp lấy hình ảnh của tài liệu và tiến hành xử lý. Thường đây là dạng máy thủ công, cho phép quét một cuốn sách mà không cần tháo gáy.
- Máy quét dạng bán tự động: cũng được bố trí camera kiểu máy quét over-head, tuy nhiên loại máy này thường được trang bị thêm giá sách chuyên dụng tự nâng hạ bằng mô tơ, có tấm kính giữ phẳng tài liệu tự đóng mở, và phần mềm của máy cho phép thiết lập các thao tác máy tự động scan, nâng hạ giá đỡ sách, đóng mở tấm kính. Khi đó người vận hành chỉ việc thao tác lật trang tài liệu. Các máy quét bán tự động có thể cho tốc độ khá cao lên đến trên 1.000 trang/giờ.
- Máy quét dạng tự động: thường sử dụng Scanrobot, hoặc cánh tay robot để tự động lật giở trang sách. Máy sẽ kết hợp hệ thống camera chụp trong quá trình lật giở. Như vậy người vận hành chỉ việc thực hiện các thao tác điều khiển và theo dõi hoạt động của máy. Tốc độ của các máy quét tự động thường là rất cao, có thể lên tới 2.500 đến 3.000 trang/giờ.
- Máy quét đa dụng kết hợp nhiều chức năng: đây thường là các hệ thống lớn cho phép quét nhiều loại tài liệu khác nhau như tài liệu giấy, tài liệu dạng vi phim, tài liệu kính, hoặc có thể chụp ảnh vật thể như tượng, đồng xu, con tem, mộc bản, văn bia… Dạng máy quét này thường được trang bị camera quét với độ phân giải cực cao và cho các kết quả số hóa là các hình ảnh chất lượng rất tốt.
- Máy quét 3D: chuyên dụng cho việc quét mô hình các đối tượng vật thể như tượng, bình gốm sứ, trống đồng… Tuy nhiên việc số hóa mô hình 3D thường cho độ chân thực với bản gốc không cao như các máy chụp ảnh vật thể.
- Ngoài ra trong nhiều mô hình thư viện hiện đại trong thời gian gần đây còn cho phép việc sử dụng các máy scan tự phục vụ (self-service scanner), tức là thư viện đặt các máy scan tại một số nơi trong thư viện, cho phép bạn đọc tự quét một phần tài liệu theo nhu cầu và gửi về email của mình. Bạn đọc tự thao tác và chịu trách nhiệm về hành vi bản quyền đối với tài liệu đó. [3]
3.3. Sử dụng dịch vụ và sản phẩm thông tin thư viện trực tuyến giúp chia sẻ thông tin tiện ích cho thư viện:
Tại Việt Nam, đã có nhiều thư viện sử dụng dịch vụ và sản phẩm thông tin thư viện của OCLC (Online Computer Library Center) Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến. Là một tổ chức hợp tác thành viên thư viện lớn nhất thế giới hiện nay được thành lập vào năm 1967 tại trường đại học Ohio Hoa Kỳ, OCLC hoạt động dựa trên nguyên tắc là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận. OCLC xây dựng các sản phẩm và dịch vụ cho các thư viện. Các thư viện sẽ trở thành thành viên của OCLC, đóng góp chi phí sửa dụng các sản phẩm và dịch vụ. OCLC gồm hai sản phẩm cốt lõi đó là World Cat: mục lục liên hợp lớn nhất thế giới, bao gồm gần 400 triệu biểu ghi thư mục; gần 2,5 tỷ điểm vốn tài liệu từ hàng chục nghìn thư viện, viện nghiên cứu, các nhà xuất bản điện tử lớn trên thế giới cùng xây dựng và đóng góp tài nguyên… và World Share: cung cấp một bộ hoàn chỉnh các ứng dụng quản lý thư viện và các dịch vụ nền được xây dựng trên một nền tảng mở, công nghệ điện toán đám mây. Đây chính là nền tảng để phát triển các ứng dụng và dịch vụ của OCLC.
Các ứng dụng và dịch vụ của OCLC giúp chia sẻ thông tin tiện ích cho thư viện:
WorldShare InterLibrary Loan: Dịch vụ mượn liên thư viện duy nhất toàn cầu cho phép các thư viện trao đổi, chia sẻ tài liệu với nhau. Cho phép mượn tài liệu in, tài liệu số. Xử lý hàng chủ đề của TV Quốc hội Mỹ (LC), khung tiêu đề chủ đề Y học (Medical Subject Heading-MeSH) và chỉ số phân loại chủ đề sách trong ngành xuất bản của Mỹ (BISAC).
Connexion: Phần mềm xây biên mục tập trung. Một số điểm nổi bật:
+ Thư viện biên mục và trực tiếp đưa biểu ghi lên WorldCat.
+ Tìm kiếm biểu ghi trên WorldCat.
+ Chuẩn hóa biểu ghi theo quy tắc quốc tế.
+ Chia sẻ biểu ghi với các thư viện khác.chục triệu giao dịch mỗi năm.
Contentdm: Phần mềm xây dựng và quản lý bộ sưu tập số với gần 3.000 thư viện trên khắp thế giới đang sử dụng và chia sẻ dữ liệu. Một số điểm nổi bật : lưu trữ bất kỳ dạng file, quản lý và cung cấp các bộ sưu tập số lên web, sử dụng công nghệ điện toán đám mây hoặc cài trực tiếp trên máy chủ thư viện,...
EZproxy: Là phần mềm quản lý truy cập và xác nhận người dùng từ xa thông qua proxy. Cho phép người dùng nằm ngoài dải IP vẫn có thể truy cập các Cơ sở dữ liệu đã đăng ký sử dụng.
Dewey Services (Web Dewey): Khung phân loại thập phân DDC bản online. Hỗ trợ cán bộ TV tìm kiếm chỉ số phân loại, chủ đề của tài liệu. Liên kết đến khung tiêu đề.
3.3. Sử dụng phần mềm quản trị thư viện hiện đại giúp phổ biến và tổ chức thông tin hợp lý:.
Đã có rất nhiều phần mềm quản trị thư viện được các thư viện sử dụng, nhưng ở đây theo tác giả đánh giá và muốn giới thiệu đến một phần mềm tối ưu, hiện tại đang được nhiều đơn vị thư viện trên cả nước đang sử dụng là KIPOS.
KIPOS là một giải pháp tiên phong trên thế giới về tự động hóa thư viện và thư viện số ngày nay. Khi mà các nhà cung cấp giải pháp thư viện hàng đầu thế giới và cả trong nước vẫn tách rời các gói giải pháp riêng biệt cho vấn đề tự động hóa thư viện và thư viện số, thì Kipos đem đến cho thư viện một giải pháp tổng thể hoàn chỉnh 3 trong 1: Giải pháp tự động hóa thư viện (KIPOS.Automation), Giải pháp thư viện số (KIPOS.Digital), Giải pháp cổng thông tin điện tử (KIPOS.WebPortal).
KIPOS là sự kết hợp các chức năng tự động hóa thư viện (thư viện điện tử), thư viện số và cổng thông tin trong một chỉnh thể thống nhất. Hầu hết các giải pháp nội địa được giới thiệu có số lượng phân hệ thư viện số nghèo nàn (2-3 phân hệ) hoặc phân thành 2 hệ thống riêng thư viện điện tử tích hợp và thư viện số. Nếu tách làm 2 hệ thống riêng biệt sẽ gây ra một sự chồng chéo vừa dư thừa lại vừa thiếu sót: dư thừa khi cán bộ thư viện phải thực hiện biên mục hai lần cho một cuốn sách, sự bất tiện khi 1 độc giả phải đăng ký ở 2 hệ thống, thiếu sót khi truy vấn về tài khoản độc giả không đưa ra được toàn bộ thông tin của độc giả ở cả hai hệ thống. [6]
4. Kết luận:
Đứng trước thực trạng thông tin trong xã hội ngày càng một bùng nổ, phát tán và thiếu kiểm soát thì thư viện với vai trò là một thiết chế xã hội đã có những đóng góp, giải pháp nhất định để giúp kiểm soát thông tin. Các nguồn tài nguyên thông tin có trong thư viện được xử lý (biên mục mô tả, định đề mục từ khóa, tóm tắt và tổng quan) và tổ chức, quản bảo, phổ biến đến người dùng tin một cách hợp lý, đầy đủ, chính xác để rồi từ đó đem ra phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dùng tin. Trong những thập niên trước đây khi máy móc và công nghệ còn chưa phát triển thì sự “thiếu thốn thông tin” luôn là vấn đề đáng lo ngại, con người ta luôn tìm cách để nắm bắt, thu thập các thông tin hữu ích để phục vụ cho các vấn đề mình quan tâm như khoa học, văn hóa, đời sống xã hội… Nhưng trong thời đại hiện nay cũng chính vì việc sản xuất, sáng chế ra hàng loạt các thiết bị máy móc tiện dụng, tiên tiến tạo ra cơ hội thuận lợi, dễ dàng chia sẻ thông tin qua nhiều môi trường khác nhau (môi trường ảo) thì việc kiểm soát thông tin lại trở thành vấn đề lớn. Mỗi ngày trôi qua các thông tin trôi nổi trên các kênh mạng xã hội, cung cấp những kiến thức ít có kiểm chứng, hoặc sai hoàn toàn so với sự thật, tạo ra một mê cung thông tin rộng lớn; chính những lúc này những cơ quan, tổ chức, các thiết chế xã hội chứa nhiều thông tin có chọn lọc như thư viện lại càng chứng tỏ được tầm qua trọng của mình trong vị thế của xã hội. Một xã hội phát triển với thông tin bền vững và có giá trị là một xã hội coi trọng, và có cái nhìn đúng đắn với vai trò, giá trị của thư viện.
______________________________________________
Tài liệu tham khảo:
[1] Hải Anh (2019), Dịch vụ thông tin – thư viện xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, truy cập vào ngày 21/11/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/dich-vu-thong-tin-thu-vien-xay-dung-tren-nen-tang-cong-nghe-thong-tin-954
[2] Giới thiệu 4 bộ CSDL WordBank eLibrary, OECD iLibrary, ITU iLibrary, UN iLibrary (tài liệu lưu hành nội bộ công ty IDT)
[3] Dương Đình Hòa (2019), Ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động của thư viện, Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo: Tổng kết công tác ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt trong các thư viện Việt Nam (2014 – 2019), Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đà Nẵng, tr.230 – 244
[4] Nghị định Số 72/2002/NĐ – CP: Nghị định Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thư viện của Chính phủ ban hành ngày 06/08/2002
[5] Nhóm Hạt Nhân, Đỗ Hải Anh (chủ biên) (2017), Người cán bộ thư viện cần biết những gì? (tài liệu biên soạn lưu hành nội bộ bộ môn Pháp chế và Tiêu chuẩn hóa trong hoạt động thông tin – thư viện, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội).
[6] Tại sao chọn phần mềm quản lý thư viện KIPOS, truy cập vào ngày 21/11/2019 tại địa chỉ: http://kipos.vn/ContentBrowser.aspx?contentid=8
[7] Phùng Ngọc Tú (2016), Quản lý tri thức và vai trò của thư viện, truy cập vào ngày 21/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/quan-ly-tri-thuc-va-vai-tro-cua-thu-vien.html
[8] OCLC – Kết nối thư viện toàn cầu (tài liệu lưu hành nội bộ công ty IDT)
[9] Lê Văn Viết (2006), Quá trình hình thành hệ thống thư viện quân đội, Thư viện học: Những bài viết chọn lọc, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.324 – 334
[10] https://idtvietnam.vn/vi/thong-tin-tu-lieu truy cập vào ngày 21/11/2019
____________________________________________________
Bài viết: Hải Anh
Hình ảnh: Sưu tầm internet