TOẠ ĐÀM “CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ ĐỌC TRONG THƯ VIỆN”
Sáng 26/01/2018, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Toạ đàm “Các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hoá đọc trong thư viện”. nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của mạng lưới thư viện trong cả nước đối với việc thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tham dự Toạ đàm, về phía khách mời có ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định, ông Vũ Công Hội - Vụ trưởng Vụ Văn hoá-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Trần Thị Bích Huệ - Giám đốc Thư viện Quân đội; Về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có bà Vũ Dương Thuý Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, bà Kiều Thuý Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các thư viện tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, các viện nghiên cứu, các trung tâm thông tin - thư viện các trường đại học, thư viện chuyên ngành, các cơ sở đào tạo ngành Thư viện…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: “Đọc chính là một phương thức giúp mọi người có thể tiếp cận tới tri thức, mở ra các cơ hội cho việc học tập suốt đời và cho sự phát triển văn hóa của cá nhân và các nhóm xã hội. Chính vì lý do đó phát triển văn hóa đọc có một ý nghĩa vô cùng to lớn”.
Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến tại tọa đàm. Các ý kiến của bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện quốc gia; Đại tá Trần Thị Bích Huệ - Giám đốc Thư viện Quân đội... đã chia sẻ bài học kinh nghiệm hữu ích nhằm phát triển văn hóa đọc, nhìn thẳng vào khó khăn về kinh phí đầu tư, sự bất cập trong đãi ngộ đối với người làm công tác thư viện, nhận thức về vai trò của việc đọc ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên không quan tâm đọc sách ngoài sách giáo khoa, giáo trình ở một số nơi...
Trong khuôn khổ tọa đàm, Bộ VH-TT&DL cũng tổ chức lấy ý kiến về các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện, gồm: Thư viện có vốn tài liệu phong phú; cán bộ thư viện chuyên nghiệp, có khả năng tổ chức được nhiều tiện ích, dịch vụ thiết thực; thư viện thu hút đông đảo người sử dụng; thư viện có không gian thân thiện, thư viện mở cửa vào thời gian thích hợp với người đọc..
Qua tham luận của các đại biểu, Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà mong rằng các ý kiến được đưa ra trong tọa đàm sẽ là những thông tin, kinh nghiệm quý giá đối với các cán bộ trong ngành. Ngoài ra, có thể đúc kết được rằng, muốn hấp dẫn bạn đọc thì cần có kho sách phong phú với nhiều cuốn sách hay, có giá trị. Chúng ta phải luôn xác định ngành thư viện là một ngành cung cấp dịch vụ. Bạn đọc không chỉ đơn thuần là người đọc mà còn là người sử dụng và chúng ta phải nhìn nhận họ như là một khách hàng. Vì vậy, muốn các hoạt động hiệu quả thì chúng ta phải đổi mới dịch vụ.
Và hơn hết, Bộ tiêu chí được xây dựng sẽ vẫn chỉ là các tiêu chí đơn thuần nếu như chúng ta không thực sự đổi mới. Vì vậy, các thư viện cần không ngừng sáng tạo, tìm ra phương thức hiệu quả để đi đến với cộng đồng, đi đến với bạn đọc. Đây cũng là con đường duy nhất khẳng định sự tồn tại của các thư viện, để ngành thư viện có thể vững bước trên con đường chinh phục bạn đọc, là cầu nối giúp bạn đọc đến gần hơn với tri thức và những văn minh của nhân loại./.
Hình ảnh cùng sự kiện:
Toàn cảnh Tọa đàm
Bà Vũ Dương Thuý Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện trình bày Báo cáo đề dẫn
Bà Kiều Thuý Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận tại Tọa đàm
Bà Trần Thị Bích Huệ - Giám đốc Thư viện Quân đội trình bày tham luận tại Tọa đàm
Bà Ngô Hiền Tuyên - Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận tại Tọa đàm
Đại diện công ty IDT trình bày tham luận về OCLC – Kết nối hệ thống thư viện toàn cầu tại Tọa Đàm
Trao tặng sách cho một số thư viện còn khó khăn.
Công ty IDT tham gia trưng bày tại Tọa đàm.