Dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu OCLC Worldshare Interlibrary Loan
1. Giới thiệu chung.
Trên thực tế hiện nay các thư viện đang phải đối mặt với hai bài toán quan trọng, thứ nhất là ngân sách hoạt động cho các thư viện được cấp không đều, với một số thư viện còn bị cắt giảm ngân sách dành cho các hoạt động của mình, điều này dẫn đến bài toán thứ hai đó là hiện nay không có một thư viện nào có thể đáp ứng được 100% các yêu cầu của bạn đọc về mượn tài liệu in, tài liệu số v.v…Việc không đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc khi họ đến thư viện có thể gây ra một số vấn đề khiến cho bạn đọc không còn có hứng thú lên thư viện nữa. Để giải quyết vấn đề đó, các thư viện trên thế giới đã liên kết với nhau tạo thành một tổ chức liên hợp để có thể chia sẻ tài nguyên thư viện với mục tiêu luôn đáp ứng được các yêu cầu về tài nguyên thư viện khi mà họ cần. Tổ chức liên hợp thư viện lớn nhất trên thế giới hiện nay cung cấp cho thư viện khả năng để làm việc này là Tổ chức thư viện thế giới OCLC – Onlince Computer Library Center được thành lập năm 1967 tại Ohio – Hoa Kỳ. Từ ý tưởng của khối liên hiệp các Thư viện Đại học Ohio muốn thử nghiệm khả năng thành lập một trung tâm xử lý kỹ thuật tập trung, cái tên OCLC ban đầu được hiểu theo nghĩa là Trung tâm Thư viện trường Đại học Ohio (Ohio College Library Center). Trong suốt thời gian mới thành lập, mục tiêu chính của OCLC là xây dựng một mạng lưới thư mục liên hợp giữa các thư viện thành viên của Đại học Ohio và tiếp đó là các thư viện trên toàn nước Mỹ.
Sản phẩm cốt lõi phục vụ cho ý tưởng chia sẻ tài nguyên của OCLC đã được hình thành và phát triển đi cùng với quá trình phát triển của OCLC từ ngày thành lập đến nay đó là Cơ sở dữ liệu mục lục liên hợp toàn cầu WorldCat,
WorldCat: được biết đến như một CSDL mục lục liên hợp toàn cầu. Cho đến thời điểm cuối tháng 12-2016, WorldCat chứa một lượng dữ liệu khổng lồ gồm trên 380 triệu biểu ghi thư mục (bib-record), tương ứng với 2,4 tỉ điểm vốn tài liệu (holding) tại các thư viện, trong đó bao gồm dữ liệu của trên 48 triệu đầu mục tài liệu số nội sinh (institutional repository) và 18 triệu sách điện tử (ebook). WorldCat có số lượng ngôn ngữ cực kỳ đa dạng, gồm gần 500 ngôn ngữ trên toàn thế giới, trong đó tiếng Anh chiếm khoảng 38%, tiếng Đức khoảng 13%, tiếng Pháp khoảng 9%, ngoài ra là các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, và bao gồm cả tiếng Việt (cho dù chỉ là một tỷ lệ nhỏ). Nhiều chuyên gia đánh giá rằng WorldCat có thể bao gồm tới trên 70% lượng tài liệu có trên toàn cầu từ cổ chí kim, và là bộ CSDL thư mục toàn diện nhất thế giới từ trước tới giờ. Trong số đó có đến hàng triệu tài liệu về Việt Nam.
(Hình 1: Một số thông tin về WorldCat)
2.Tính năng chính và ưu điểm
Dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu (Worldshare Interlibrary Loan - ILL): Dựa trên CSDL mục lục liên hợp WorldCat mà các thư viện đã tham gia xây dựng và đóng góp, từ đó các thư viện sẽ có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ mượn liên thư viện của OCLC. Sau khi đã đăng ký sử dụng, các thư viện có thể xây dựng chính sách mượn liên thư viện trong phạm vi nội bộ cũng như trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay dịch vụ mượn liên thư viện của OCLC có sự tham gia của một số nhà cung cấp dịch vụ mượn tài liệu lớn và uy tín như: Thư viện Quốc hội Mỹ; Thư viện Quốc gia Canada; Thư viện Anh Quốc. Hiện có hàng chục nghìn thư viện đang tham gia trong hệ thống mượn liên thư viện của OCLC và đây là dịch vụ mượn liên thư viện có phạm vi lớn nhất thế giới.
Một vài số liệu về dịch vụ mượn liên thư viện của OCLC tính đến hết năm 2016
Tổng số thư viện tham gia | 10,161 |
Tổng số yêu cầu | 7,533,706 |
Số lượng tài liệu số được cho mượn | 1,118,533 |
Những thư viện cho mượn tài liệu số | 2998 |
Số tiền mà các thư viện giao dịch trong hệ thống | $10,932,250.27 |
Bảng 1: Bảng thống kê dịch vụ mượn liên thư viện (Theo thống kê từ OCLC)
Các thư viện cho mượn tài liệu nhiều nhất thế giới hiện nay:
Tên thư viện | Mã thư viện |
University of Texas at Austin | IXA |
University of Chicago | CGU |
University of Michigan Library | EYM |
Minitex | MII |
Pennsylvania State University | UPM |
Indiana University | IUL |
Texas A&M University | TXA |
The Ohio State University | OSU |
Syracuse University | SYB |
University of Illinois | UIU |
Bên cạnh việc cho phép các giao dịch mượn liên thư viện dưới dạng tài liệu in, tính năng Article Exchange có trong ILL còn cho phép các thư viện khả năng mượn các tài liệu số. Dịch vụ sẽ cung cấp một không gian lưu trữ có độ bảo mật cao để các thư viện cho mượn tài liệu số tải các file mà mình sẽ cho mượn. Thư viện yêu cầu mượn sau đó sẽ vào không gian được cung cấp tải tài liệu về. Chỉ có thư viện yêu cầu mượn tài liệu đó mới có quyền truy cập và sử dụng tài liệu số đã được tải lên. OCLC là đơn vị cung cấp nền tảng cho hệ thống mượn liên thư viện và cũng là người đứng ra đảm bảo cho các giao dịch mượn liên thư viện này. Các thư viện liên quan đến giao dịch tự xác định chính sách và mức phí cho các giao dịch mượn liên thư viện của mình.
Hiện nay, trong CSDL Worldcat đang chứa hàng chục triệu tài liệu tài liệu về các lĩnh vực liên quan đến Việt Nam do các học giả nước ngoài nghiên cứu đang nằm tại các thư viện trên thế giới bao gồm rất nhiều chủ đề như “kinh tế, chính trị, lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa,…”
(Hình 2:Tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam trong hệ thống OCLC)
Như trên hình 2, sau khi thử tìm kiếm ngẫu nhiên những tài liệu về Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) trong hệ thống của OCLC, hệ thống trả về trên 191.217 kết quả về những tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam do các học giả nước ngoài nghiên cứu trong hệ thống của OCLC, sau khi bạn đọc tra cứu hệ thống sẽ trỏ về tất cả các thư viện trên thế giới nắm giữ tài liệu này. Nếu thư viện đang sử dụng dịch vụ sẽ có thể ngay lập tức đưa ra yêu cầu mượn tài liệu này để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của mình. Thử với một số từ khóa khác cũng trả về các kết quả bao gồm: “Xã hội học Việt Nam trên 150.000 kết quả, lịch sử Việt Nam: trên 250.000 kết quả, các triều đại Việt nam: trên 20.000 kết quả,…
Từ một vài số liệu trên có thể thấy, dịch vụ mượn liên thư viện của OCLC là một giải pháp hữu ích và phù hợp với nhiều thư viện. Đặc biệt tại Việt Nam các thư viện cũng có thể tìm kiếm đến rất nhiều nguồn tài liệu viết về các vấn đề liên quan đến Việt Nam của những tác giả, nhà nghiên cứu trong nước hoặc nước ngoài hiện đang được lưu giữ tại rất nhiều thư viện trên thế giới.
3. Quy trình sử dụng
Để có thể sử dụng dịch vụ này, trước hết thư viện cần phải lựa chọn thư viện mình sẽ đứng ở vị trí là một thư viện cho mượn, hay là một thư viện chỉ đi mượn tài liệu. Nếu thư viện chọn là một thư viện cho mượn thư viện sẽ có thể vừa cho mượn tài liệu của thư viện mình, vừa đi mượn tài liệu của các thư viện khác. Để trở thành thư viện cho mượn, bước đầu tiên thư viện sẽ cần đưa toàn bộ hệ thống biểu ghi thư mục của thư viện mình lên hệ thống Worldcat để cho các thư viện thế giới tiếp cận tới tài liệu và có thể mượn tài liệu của thư viện mình. Sau đó thư viện sẽ ướng tính số lượng yêu cầu mượn liên thư viện của bạn đọc trong thư viện mình trong một năm. Sau đó thư viện sẽ đăng ký với OCLC và bắt đầu sử dụng dịch vụ.
Thư viện cũng có lựa chọn thứ 2, đó là trở thành một thư viện chỉ đi mượn tài liệu của thư viện khác. Để làm việc này thư viện chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ với OCLC, ước tính số lượng yêu cầu trong 1 năm và thanh toán chi phí cho OCLC sau đó đã có thể bắt đầu sử dụng dịch vụ. Điểm khác nhau là với thư viện chỉ mượn tài liệu không cần chia sẻ vốn tài nguyên thư mục của thư viện mình.
Mặc dù còn khá mới đối với các thư viện tại Việt Nam, tuy nhiên hiện nay đã có một số thư viện bắt đầu quan tâm và sử dụng giải pháp này. Vì vậy, với xu hướng liên kết và chia sẻ giữa các thư viện như hiện nay, dịch vụ mượn liên thư viện sẽ là một giải pháp được rất nhiều thư viện tại Việt Nam hướng đến trong thời gian tới.