Áp dụng công nghệ RFID tự động hóa thư viện - Định hướng đến cuộc Cách mạng 4.0
Áp dụng công nghệ RFID vào thư viện định hướng đến cuộc Cách mạng 4.0
Trong thời gian gần đây thuật ngữ “Cách mạng 4.0” được dư luận và xã hội quan tâm, nhắc đến rất nhiều. Thuật ngữ này xuất hiện trên các tin tức phóng sự, tạp chí chuyên ngành, và thậm chí là cả những nghiên cứu mang tính học thuật cao. Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng 4.0 đã có nhiều hội thảo nghiên cứu và đánh giá, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin – thư viện đã có nhiều hội thảo gồm nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này, có thể kể đến như: Hội thảo Khoa học Thông tin – Thư viện: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động thông tin – thư viện (2017), Hội thảo Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (2018), Hội thảo Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện (2019). Trong khuôn khổ bài viết này tác giả muốn hướng tới một giải pháp tối ưu tự động hóa trong lĩnh vực thông tin - thư viện là áp dụng công nghệ RFID để đáp ứng và phù hợp với cuộc Cách mạng 4.0 đang dần rõ nét hiện nay.
1. Cơ sở lý luận
1.1. Khái niệm
1.1.1. Cách mạng 4.0
Theo Klaus Schwab – Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới có định nghĩa như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.” [tr.16;2]
Theo tác giả Trương Phạm (https://blog.webico.vn) thì định nghĩa: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các Hệ thống Thực- Ảo (Cyber-Physical Systems – CPS), Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things – IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing). Trong đó, mỗi công dân có thể trở thành một doanh nghiệp số. Mọi doanh nghiệp đều trở thành doanh nghiệp số. Mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số. Mọi chính phủ trở thành chính phủ số.” [4]
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể được mô tả như là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp.” [1]
Vậy ta có thể hiểu Cách mạng 4.0 là: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các loại công nghệ tiên tiến, kết hợp lại với nhau một cách tối ưu để giúp ích và phục vụ cho con người trong nhiều lĩnh vực như môi trường, văn hóa, kinh tế… Nhằm xóa nhóa đi các công đoạn, quy trình thủ công không cần thiết tạo ra một xã hội phát triển, tiện ích nhờ các phát minh khoa học mới như trí tuệ nhân tạo, quản lý và khai thác siêu dữ liệu, robot thông minh, internet kết nối vạn vật…
1.1.2. Công nghệ RFID
“RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Một hệ thống RFID thường bao gồm 2 thành phần chính là thẻ tag (chip RFID chứa thông tin) và đầu đọc (reader) đọc các thông tin trên chip.” [tr.55;3]
1.1.3. Áp dụng công nghệ RFID vào thư viện định hướng đến cuộc Cách mạng 4.0
Vậy từ hai định nghĩa trên, tác giả đưa ra định nghĩa về Áp dụng công nghệ RFID vào thư viện định hướng đến cuộc Cách mạng 4.0 là như sau:
Sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến trong hoạt động thông tin – thư viện để góp phần thúc đẩy, kết hợp với các trang thiết bị máy móc tiên tiến, và sau này là cả các công nghệ khác nữa, định hướng đến một thư viện tự động hóa tiện ích nhằm phục vụ nhu cầu cho các đối tượng sử dụng trong thời đại xã hội ngày càng phát triển bởi các phát minh khoa học công nghệ.
1.2. Đặc điểm của công nghệ RFID
Ngày nay, trong thời đại của công nghệ các chuyên gia thông tin – thư viện đã đưa RFID vào lĩnh vực của mình, theo ông Dương Đình Hòa (Giám đốc Công ty IDT) thì RFID có một số đặc điểm như sau [tr.57-58; 3]:
- Kết hợp giữa chức năng an ninh và chức năng nhận dạng tài liệu: chip RFID để thể đảm bảo được cả hai chức năng đó là an ninh và nhận dạng tài liệu, trong một con chip có thể vừa được nạp sẵn dữ liệu để nhận dạng tài liệu, cũng thể vừa là công cụ giúp phát hiện tài liệu khi bị đưa ra khỏi thư viện mà không làm đúng quy trình mượn/ trả.
- Mượn/ trả nhanh chóng cùng lúc nhiều tài liệu: khi sử dụng thiết bị tích hợp với công nghệ RFID ta có thể mượn trả nhiều tài liệu cùng một, giảm thiểu thời gian và công sức khi lưu thông tài liệu.
- Kiểm kê nhanh chóng: thiết bị kiểm kê RFID cho quét và nhận thông tin tài liệu trên giá một cách nhanh chóng, không cần phải đem từng tài liệu xuống để quét như các loại máy móc khác.
- Hỗ trợ tối đa việc tự động hóa mượn/ trả tài liệu: công nghệ RFID giúp tối đa hóa tính tự phục vụ (self – service), bạn đọc có thể tự thao tác mượn/ trả tài liệu thông qua các thiết bị sử dụng công nghệ này.
- Không cần tiếp xúc trực tiếp với tài liệu: công nghệ này giúp nhận dạng tài liệu từ xa chưa cần tiếp xúc trực tiếp với tài liệu.
- Độ bền của thẻ cao: độ bền của thẻ (chip) RFID đã được các chuyên gia nhận định có thể sử dụng lên đến 100.000 lượt mượn/ trả.
2. Các phương pháp ứng dụng công nghệ RFID vào thư viện định hướng đến cuộc Cách mạng 4.0
2.1. Thay đổi nhận thức
Trong mọi công việc thì nhận thức luôn là một trong những yếu tố quyết định rất lớn trong sự thành – bại, đặc biệt sự nhận thức này lại góp phần xây dựng nên một tổ chức vững mạnh (một thư viện, trung tâm Thông tin – Thư viện) và sâu xa hơn đó là đóng xây dựng một xã hội tri thức.
Chính vì vậy những người cán bộ thư viện phải có kiến thức căn bản về RFID, phải hiểu rõ tầm quan trọng cũng như chức năng của loại công nghệ này đối với lĩnh vực thư viện, nhất là trong thời kỳ đại kỷ nguyên của công nghệ thông tin hiện nay.
Sự nhận thức sẽ từ những người cán bộ thư viện để phục vụ người dùng tin tôt hơn, cho đến ban lãnh đạo, giám đốc của thư viện để đưa ra các chính sách, quy trình, hay mục tiêu để phát triển thư viện đi theo công nghệ RFID một cách hiệu quả và đúng đắn nhất.
2.2. Đào tạo sử dụng công nghệ RFID
Về cơ bản để tiếp nối ý đầu tiên chúng ta sẽ phải đi đến công đoạn đào tạo, khi sử dụng loại công nghệ này hiển nhiên ta phải có kiến thức, kĩ năng để sử dụng các trang thiết bị cho quá trình hoạt động thư viện phục vụ người dùng tin được tốt.
Phải có những buổi tập huấn ngắn hạn đào tạo các cán bộ thư viện về sử dụng các thiết bị, máy móc có áp dụng công nghệ này.
Kết quả của những buổi đào tạo đó sự thành thục trong sử máy móc giúp ích trong công ích đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin trong thư viện.
2.3. Sử dụng các trang thiết bị của công nghệ RFID
Theo công ty IDT thì có một số định hướng về trang thiết bị công nghệ như sau [5]
2.3.1. Cổng an ninh thư viện
- Các loại cổng RFID của hãng NEDAP (Hãng sản xuất các thiết bị công nghệ RFID danh tiếng có trụ sở tại Hà Lan. Thiết bị RFID của Nedap đang được sử dụng hàng ngàn thư viện trên thế giới):
Có hai loại cổng là PG50 và PG45i sử dụng hệ thống cổng an ninh RFID sử dụng trong thư viện. Với chức năng chống trộm, cổng an ninh sẽ đảm bảo không có tài liệu nào đã dán thẻ nhãn RFID bị mất cắp hoặc bị thông báo nhầm rằng tài liệu đó đang có sẵn trong khi nó đã được cho mượn.
Các tài liệu khi được dán một thẻ nhãn RFID và được kích hoạt tính năng chống trộm sẽ phát ra một âm báo nếu một bạn đọc hay một vị khách mang tài liệu đi giữa các anten. Chức năng chống trộm chỉ được vô hiệu hóa khi tài liệu được mượn tại quầy, và khi đã được tắt chức năng này thì những tài liệu mới không gây ra báo động
- Cổng an ninh của hãng P.V.Supa (Kinh doanh các thiết bị an ninh và tự động hóa trong thư viện, đến từ Phần Lan):
Cổng an ninh thư viện công nghệ lai (hybrid) kết hợp RFID và EM. Cấu trúc 2 cánh 1 lối đi (tối đa mở rộng lên 3 cánh 2 lối đi). Chiều cao cổng 1,7m.
2.3.2. Trạm tự mượn/ trả tài liệu
Trạm tự phục vụ cung cấp cho thư viện của bạn một trải nghiệm mới về mô hình tự phục vụ.
- Self Service System (Nedap): Cho phép bạn đọc tự làm thủ tục mượn trả tài liệu mà không cần trợ giúp của thủ thư. Bao gồm đầu đọc RFID, máy tính, màn hình cảm ứng 15'', đầu đọc thẻ, máy in biên lai, phần mềm Bibliocheck Shelfservice (license 5 năm).
- Các dạng máy mượn/ trả khác của P.V.Supa:
+ LibMaster Baby RFID: Trạm tự mượn / trả tài liệu (Self-service) công nghệ RFID, dạng để bàn. Thân máy làm từ plexiglass đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền. Cho phép bạn đọc tự làm thủ tục mượn trả tài liệu mà không cần trợ giúp của thủ thư. Bao gồm đầu đọc RFID, máy tính, màn hình cảm ứng 15'', đầu đọc thẻ, máy in biên lai, phần mềm LibRid.
+ LibMaster Pilar RFID: Trạm tự mượn / trả tài liệu (Self-service) công nghệ RFID, dạng quầy đứng. Cho phép bạn đọc tự làm thủ tục mượn trả tài liệu mà không cần trợ giúp của thủ thư. Bao gồm đầu đọc RFID, máy tính, màn hình cảm ứng 17'', đầu đọc thẻ, máy in biên lai, phần mềm LibRid. Có thể điều chỉnh chiều cao theo nhu cầu của thư viện.
+ LibMaster Phoenix RFID: Trạm tự mượn / trả tài liệu (Self-service) công nghệ RFID, dạng quầy đứng. Cho phép bạn đọc tự làm thủ tục mượn trả tài liệu mà không cần trợ giúp của thủ thư. Bao gồm đầu đọc RFID, máy tính, màn hình cảm ứng 19'', đầu đọc thẻ, máy in biên lai, phần mềm LibRid.
2.3.3. Trạm thủ thư và thủ thư đa năng
- MidRanger (Nedap): Trạm thủ thư RFID - Phục vụ công tác mượn trả, nhập/chuyển đổi dữ liệu vào chip mới. Bao gồm đầu đọc RFID và đầu đọc barcode.
- SelfServer (Nedap): Trạm thủ thư đa năng (có thể hoạt động như một trạm thủ thư, hoặc trạm tự mượn trả tài liệu dành cho bạn đọc), dạng để bàn. Bao gồm đầu đọc RFID, màn hình cảm ứng 15'', máy tính, đầu đọc thẻ, máy in biên lai, phần mềm Bibliocheck. SelfServer có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, có thể dùng như một trạm tự phục vụ, một trạm lưu thông hoặc một trạm thủ thư.
2.3.4. Thiết bị kiểm kê, định vị tài liệu
Trong một hệ thống thư viện tự phục vụ, mọi thứ đều trở lên thuận tiện và dễ dàng. Việc kiểm kê và tìm kiếm các tài liệu cũng cần được chú trọng.
Thiết bị kiểm kê, định vị tài liệu – LibAssist (P.V.Supa)
2.3.5. Nhãn (chip) RFID
Nhãn (chip) RFID dùng cho sách, tài liệu được cấu tạo mềm mỏng có chứa chíp vi xử lý. Thường nhãn dùng cho sách có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật.
2.3.6. Thiết bị trả sách 24h
- Thiết bị của hãng P.V.Supa:
+ Libretto outdoor: Hệ thống trả sách 24h và phân loại tự động, dạng ngoài trời, công nghệ RFID. Bao gồm cửa trả sách dạng ngoài trời (chống nước và tác động xấu của thời tiết), máy tính xử lý và màn hình hiển thị, máy in biên lai, dây chuyền xử lý và phân loại sách, thùng chứa sách x (số thùng tùy vào chọn lựa). Bảo hành 2 năm.
+ Libretto indoor: Hệ thống trả sách 24h và phân loại tự động, dạng trong nhà, công nghệ RFID. Bao gồm cửa trả sách, máy tính xử lý và màn hình cảm ứng 15", máy in biên lai, dây chuyền xử lý và phân loại sách, thùng chứa sách x (số thùng tùy vào chọn lựa). Bảo hành 2 năm.
+ LibShelf: Giá trả sách thông minh (Intelligent Shelves) dạng 4 tầng, có gắn bánh xe. Cho phép bạn đọc tự trả tài liệu mà không cần trợ giúp của thủ thư. Bao gồm kiosk, máy tính, màn cảm ứng 17'', giá trả sách, đầu đọc RFID, máy in biên lai, phần mềm Libshelf. Bảo hành 2 năm.
2.3.7. Thiết bị mượn sách 24h
Nhu cầu mượn sách bất kể thời gian trong ngày là nhu cầu vô cùng thiết yếu của bạn đọc. Thực tế đã chứng minh nhiều bất cập khi bạn đọc phải chờ đợi đến giờ thư viện mở cửa mới có thể mượn được tài liệu. Chính vì vậy, trạm mượn sách 24h là một giải pháp hữu hiệu cho nhu cầu này. IDSmart - thương hiệu của MiTAC đã nghiên cứu và phát triển một hệ thống mượn sách với cánh tay robot giúp bạn đọc chủ động trong việc đặt-mượn tài liệu, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cán bộ thư viện trong việc phục vụ bạn đọc, giảm thiểu tối đa lượng công việc vốn phải thực hiện.
2.3.8. Các thiết tự động hóa khác
- Các thiết bị của hãng Mitac (Kinh doanh các thiết bị an ninh và tự động hóa trong thư viện, đến từ Đài Loan):
+ BS-2300: Máy khử trùng/khử khuẩn cho tài liệu IDSmart Bookshower (White) (with LCD display). Cho phép xử lý đồng thời 3 tài liệu cùng lúc. Bao gồm 3 đèn UV, bộ lọc, màn hình hiển thị nội dung giới thiệu/quảng cáo. Kích thước 1310(H) x 600(W) x 500mm (L). Bảo hành 1 năm.
+ BS-1700: Máy khử trùng/khử khuẩn cho tài liệu IDSmart Bookshower. Cho phép xử lý đồng thời 3 tài liệu cùng lúc. Kích thước 1250mm*614mm *482mm (H*W*D). Bảo hành 1 năm.
+ SKS-100: Hệ thống đặt chỗ trong thư viện. Cho phép đặt chỗ và sử dụng thiết bị trong toàn bộ thư viện. Bao gồm trạm đặt chỗ, đầu đọc thẻ, máy in nhiệt, máy tính và màn hình cảm ứng 19", phần mềm quản lý đặt chỗ. Kích thước 300 mm (D) x 500 mm (W) x 1500 mm (H). Bảo hành 1 năm.
3. Một số trường Đại học Việt Nam hiện nay đang dùng công nghệ RFID
Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) chuyên cung cấp các giải pháp chuyên nghiệp về tự động hóa trong thư viện, và đã cung cấp hệ thống RFID cho một số khách hàng tiêu biểu như sau: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Dầu khí Việt Nam, Đại học FPT Cần Thơ, Đại học Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang, Đại học Thủ Đô, Đại học Xây dựng, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội, Học viện Khoa học Xã hội, Học viện Ngân hàng Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Cao đẳng Nghề Yên Bái…
4. Kết luận
Để bắt kịp xu thế và thích ứng với sự xuất hiện ngày càng rõ ràng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì các thư viện phải có những hướng thay đổi tích cực, buộc phải chuyển mình khi áp dụng các loại công nghệ hiện đại vào sử dụng để phục vụ người dùng tin được tốt hơn. Và công nghệ cơ bản đầu tiên mà tác giả muốn để cập đến và mong muốn các thư viện hiện nay đều sử dụng đó là công nghệ RFID – một giải pháp nhỏ cho những bước tiến lớn trong tương lai.
_____________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, truy cập vào ngày 28/08/2019, tại địa chỉ: https://bitly.vn/9pwl
2. Nguyễn Hữu Giới (2017), Nhận diện về cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuẩn bị của công tác thư viện trong các trường đại học trong tương lai, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thông tin - Thư viện:"Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động Thông tin - Thư viện", Đại học Bách Khoa Đà Nẵng - Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. 16-27.
3. Dương Đình Hòa (2016), Ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý và tự động hóa thư viện, Kỷ yếu Hội nghị Tổng kết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng (2006 -2016), Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, tr.55-65.
4. Trương Phạm, Định nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0 (lần thứ tư), truy cập vào ngày 28/08/2019,tại địa chỉ: https://bitly.vn/9px2
5. https://idtvietnam.vn/ truy cập vào ngày 28/08/2019
_____________________________________________________________
Hình ảnh: Sưu tầm internet
Bài viết: Hải Anh