Những vấn đề chung và giải pháp cho thư viện trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch
1. Lời nói đầu:
Trong những năm gần đây du lịch được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn của nước nhà; có thể thấy rõ ràng các tác động tích cực do du lịch tạo ra, nền kinh tế nước nhà được đi lên trông thấy, không những thế đã tạo ra hàng loạt công ăn việc làm cho những người dân sinh sống bằng các hoạt động dịch vụ kèm theo như nhà hàng, khách sạn, bán đồ lưu niệm, du thuyền, giải trí… Hơn hết việc tuyên truyền, quảng bá những nét đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa nghệ thuật của nước nhà cũng được tôn vinh và giới thiệu đến với các bạn bè khắp năm châu. Từ một nước còn đang trong quá trình hội nhập gặp nhiều rào cản và khó khăn thì Việt Nam ngày càng vươn lên, phát triển đất nước với ngành công nghiệp du lịch đậm đà, đặc sắc. Để làm được điều này phải có sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân, đơn vị và tổ chức đến từ nhiều ngành nghề hay lĩnh vực khác nhau; trong đó có thể kể đến thư viện – một thiết chế của xã hội góp phần tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch một cách rất riêng và độc đáo.
2. Những vấn đề chung:
2.1. Vai trò của thư viện trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch:
Về cơ bản vai trò chính của một thư viện là cung cấp thông tin, giáo dục, văn hóa và giải trí; vậy nên ta có thể hiểu rằng vai trò của thư viện đối với hoạt động du lịch là cung cấp các thông tin hữu ích, cần thiết và có chọn lọc cho công cuộc tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch một cách tốt nhất đối với các đối với các đối tượng, nhóm người dùng tin khác nhau.
2.2. Phân loại người dùng tin trong hoạt động du lịch:
Theo bà Phan Thị Huệ (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long) thì có thể chia làm bảy nhóm người dùng tin khác nhau trong hoạt động du lịch:
Nhóm 1. Những người hoạt động trong ngành du lịch
Nhóm 2. Khách du lịch
Nhóm 3. Nhà đầu tư du lịch
Nhóm 4: Nhà giáo, nhà nghiên cứu
Nhóm 5: Người dân địa phương
Nhóm 6: Học sinh - sinh viên đang theo học ngành du lịch
Nhóm7: Người liên quan công tác quản lý du lịch [7]
Dựa theo quan điểm trên và để phù hợp với thực tiễn bài viết của mình tác giả xin phân loại lại các nhóm người dùng tin trong hoạt động du lịch như sau:
Nhóm 1 - Quản lý, lãnh đạo phụ trách về du lịch:
Đây là nhóm người với sự đòi hỏi nhu cầu tin chính xác, nhanh chóng mang tính hợp pháp. Họ là những người có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều hành hoạt động du lịch, có quyền đưa ra các quyết định và đề nghị để xây dựng, xúc tiến du lịch. Chính vì vậy nhu cầu tin của họ thuộc về các vấn đề như phương hướng, đường lối và chính sách… để từ đó dựa vào đưa ra các văn bản quyết định hợp pháp, các đề án, chương trình xây dựng hợp lí về quản lý lễ hội, khu di tích, di sản, cùng các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch như vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự khu dích tích, bảo tồn bảo vệ danh lam thắng cảnh…
Với nhu cầu tin đó Thư viện có thể cung cấp các loại tài liệu về Luật pháp, Quản lý và tổ chức hành chính Nhà nước, Xây dựng chủ nghĩa… với độ chính xác, tin cậy cao cho các Quản lý, lãnh đạo để thực hiện tốt công việc của mình.
Nhóm 2 - Hướng dẫn viên du lịch:
Đây là nhóm người dùng tin giao tiếp trực tiếp với khách du lịch, vì vậy nhu cầu tin của họ mang tính chất quy trình, công việc về các lĩnh vực tuyến điểm du lịch, văn hóa đặc sắc, tôn giáo chủ đạo, tín ngưỡng vùng miền, và đặc điểm về các quy định, cấm kị của vùng du lịch…
Thư viện cung cấp cho nhóm người dùng tin này các loại tài liệu như: cẩm nang du lịch, hướng dẫn tham quan tuyến điểm du lịch, sách khoa học thường thức về du lịch… để phục vụ cho công việc của họ. Đặc thù công việc của những người hướng dẫn viên du lịch khi dẫn khách đi các tour thì việc thuyết trình, quản lý và tổ chức phải mang tính chất chuyên nghiệp, có nghĩa là có sự am hiểu về vùng miền mà họ dẫn khách tham quan phải thật đầy đủ, mang tính phổ quát để trả lời, phục vụ cho khách du lịch; dù chỉ bị một lỗi nhỏ sẽ dễ dàng bị các khách hàng khó tính đánh giá không cao và ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy nhóm người hướng dẫn viên du lịch phải khai thác nguồn thông tin khá đa dạng từ nhiều tài liệu khác nhau trong thư viện.
Nhóm 3 - Du khách đi du lịch:
Xét về nhu cầu tin, nhóm này có những điểm tương đối giống nhóm số 2 (Hướng dẫn viên du lịch), vì các thông tin họ cần cũng liên quan đến các tuyến điểm du lịch, tour du lịch, văn hóa – Tôn giáo – Xã hội chung của một địa phương nơi mà họ muốn tham quan… Nhưng chắc chắn một điều là nhu cầu tin của họ đôi khi không cao, và có tính quy trình như ở nhóm số 2; vì các vấn đề họ tìm hiểu đôi khi chỉ là do sự tự phát, tò mò, không phục vụ cho lợi ích công việc. Nhưng cũng có một số trường hợp nhỏ lẻ lại có nhu cầu về sự tìm hiểu chuyên sâu hơn để phục vụ cho việc đi du lịch của mình mang tính trải nghiệm hơn. Đây là một nhóm người dùng tin tương đối đa dạng, phức tạp.
Nhóm 4 - Sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu về lĩnh vực du lịch:
Nhu cầu dùng tin của nhóm này khá chuyên sâu, mang tính học thuật và cả lý luận thực tiễn. Họ là những giảng viên, học viên, sinh viên có trình độ học vấn. Mục đích khai thác thông tin để phục vụ cho công việc học tập và nghiên cứu của mình. Họ khai thác qua các sản phẩm thư mục chuyên đề đặc biệt về du lịch – văn hóa hoặc cụ thể các tài liệu chuyên sâu thiên về học thuật, khoa học như các đề tài nghiên cứu khoa học, các luận án, luận văn thạc sĩ, các giáo trình, bài giảng về du lịch, văn hóa, tôn giáo…
Nhóm 5 - Người dân địa phương:
Là những người sống tại khu vực khai thác du lịch, trực tiếp hưởng lợi cũng như các tác động du lịch đem lại. Vì vậy thông tin họ cần không mang tính chất chuyên sâu mà chỉ là các loại thông tin mang tính chất khái quát về lịch sử, tự nhiên, xã hội… nơi mình sinh sống và làm việc. Các tài liệu thư viện thường cung cấp cho nhóm người này thuộc về các vấn đề quê hương, dân tộc nơi họ sinh sống thông qua các bộ thư mục về chủ đề như danh nhân địa phương, văn hóa địa phương…
2.3. Thực trạng về công tác thư viện trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại Việt Nam:
Trong những năm gần đây do được sự quan tâm của Đảng, Chính quyền, Nhà nước và các cấp, ban ngành liên quan các thư viện khắp nơi trên cả nước đã có nhiều hoạt động đặc sắc giúp tuyên tuyền, quảng bá, xúc tiến trong du lịch.
Có thể kể đến vài hoạt động của một số thư viện tiêu biểu như sau:
- Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh:
Vào ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam, tại đường hoa – phố đi bộ Nguyễn Huệ mấy năm liền đều tổ chức trang trí các hình ảnh, lẵng hoa… liên quan đến Tết cổ truyền của Việt Nam. Đặc biệt tại con phố này còn có một đoạn được bày trí trở thành phố sách với các gian hàng của các nhà xuất bản, phát hành sách… cạnh đó còn là nơi trưng bày triển lãm các tài liệu theo chủ đề của thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2018 đường hoa – phố đi bộ Nguyễn Huệ được trưng bày và trang trí với 4 chủ đề. Chủ đề thứ 4 mang tên “Biển đảo thiêng liêng” được Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, trưng bày hình ảnh, bản đồ về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”. Đồng thời có những tài liệu về chủ quyền đất nước, phát triển kinh tế bền vững được đem ra trưng bày. Sự kiện này đã thu hút được khá nhiều người dân địa phương cùng khách du lịch quan tâm, một cách thức quảng bá văn hóa du lịch hiệu quả.
Tiếp theo thành công đó năm 2019 đường hoa – phố đi bộ Nguyễn Huệ lại được tiếp tục chọn làm nơi để trưng bày và trang trí khu phố sách.
- Thư viện thành phố Cần Thơ:
Hằng năm vào các mùa lễ hội của thành phố thư viện đều có triển lãm sách để tuyên truyền, quảng bá du lịch. Những sự kiện này đều thu hút được đông đảo người dân địa phương quan tâm, đặc biệt trong đó có không ít những du khách nước ngoài cùng những du khách trong nước đến từ nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc quan tâm về các chủ đề văn hóa, ẩm thực, lịch sử của vùng đất địa phương giàu truyền thống, anh hùng và đẹp đẽ này. Các sự kiện tiêu biểu như:
Hoạt động phục vụ sách – báo tại ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc (2019)
Triển lãm sách phục vụ ngày hội du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” (2019)
Triển lãm sách – hình ảnh phục vụ “Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền – Cần Thơ” lần thứ VIII (2019)
- Thư viện huyện Cần Giờ:
Vào mùa lễ hội Nghinh Ông 2018 – một lễ hội địa phương mang tính đậm đà bản sắc dân tộc; huyện đoàn Cần Giờ còn tổ chức đêm rằm Trung Thu cho các em thiếu nhi với các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức gian hàng ẩm thực cho thiếu nhi; hội thi làm lồng đèn, rước đèn trung thu từ Nhà thiếu nhi huyện ra Công viên thị trấn Cần Thạnh. Trung tâm Văn hóa, Thể dục Thể thao huyện tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ phong trào, giao lưu đờn ca tài tử; triển lãm tranh thiếu nhi, liên hoan lân sư rồng, thả diều nghệ thuật; xiếc đường phố; đua cà kheo, đua xuồng chèo, giải việt dã hội khỏe Phù Đổng, giải điền kinh bãi biển, giải bi sắt Cần Giờ mở rộng; biểu diễn rối nước, cờ người… Và đặc biệt có sự xuất hiện của xe thư viện lưu động của huyện, phục vụ các bạn đọc (người dùng tin) khắp nơi khi tham gia lễ hội, quảng bá tinh thần ham học, đa dạng văn hóa của huyện Cần Giờ. [9]
- Thư viện thành phố Hà Nội:
Thư viện đã có nhiều đóng góp lớn trong việc phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô, đặc biệt thư viện còn có những sản phẩm thông tin là những bộ thư mục có giá trị về nhiều mặt, giúp quảng bá du lịch một cách hữu hiệu cho những ai quan tâm có thể kể đến như:
Thư mục Các di tích Quốc gia đặc biệt của Hà Nội:
Chia ra làm ba mục chính
- Tài liệu chỉ đạo về bảo tồn di tích
- Các di tích Quốc gia đặc biệt của Hà Nội
- Một số giải pháp và kinh nghiệm bảo tồn di tích
Thư mục Đặc sản Hà Nội:
Chia ra làm năm phần chính
- Văn hóa ẩm thực Hà Nội
- Đặc sản chung
- Các sản vật
- Các món chế biến
3. Giải pháp cho thư viện trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch:
3.1. Thay đổi nhận thức
Bao giờ cũng thế, vấn đề nhận thức luôn là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công hay thất bại của một sự việc. Có thể thấy trong những năm gần đây thư viện trên toàn quốc đã có những thay đổi mang hơi hướng tích cực, tuy nhiên đằng sau đó còn tồn đọng nhiều vấn nhạy cảm, chưa được giải quyết triệt để, tư duy của một số cán bộ lãnh đạo địa phương hay ngay trong chính một số cơ quan thư viện còn chưa thật sự nhận ra vai trò quan trọng của thư viện trong xã hội; đặc biệt là trong vai trò tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Chính vì vậy cần phải có những hành động minh chứng cụ thể nhiều hơn nữa tác động mạnh mẽ đến đội ngũ những nhà làm lãnh đạo nói chung và thư viện nói riêng có cái nhìn đúng đắn về vai trò của thư viện trong xã hội ngày nay, trong hoạt động du lịch ngày càng phát triển của đất nước.
3.2. Liên kết, hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan
Sự thành công của thư viện trong việc phát triển du lịch còn là nhờ sự giúp đỡ của các bên liên quan, như các ban ngành địa phương, Trung ương, các tổ chức Phi Chính phủ, các các nhân có đóng góp sức lực vào thư viện… Chính vì vậy để hoạt động du lịch được phát triển tốt thì thư viện phải là một sợi dây liên kết các bên với nhau trong công việc đầu tư, xây dựng, xã hội hóa hoạt. Khi có sự chung tay đoàn kết của nhiều tập thể và hội nhóm sẽ tạo ra một cộng đồng lớn mạnh đủ tiềm lực theo nhiều nghĩa sẽ dễ dàng vượt qua mọi trở ngại.
3.3. Sử dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện
Hiện nay trong mọi ngành nghề và lĩnh vực đều có sự đầu tư của công nghệ thông tin vào đó giúp cho giảm thiểu nhân công lao động, thời gian lao động nhưng lại tăng năng xuất sản phẩm. Đối với thư viện cũng không là một ngoại lệ, việc sử dụng công nghệ trong thư viện tại Việt Nam đã từ lâu không còn là điều gì xa lạ, nhưng để đạt được hiệu quả thực sự, chú trọng đến việc quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến du lịch thì còn là vấn đề phải bàn, tại đây tác giả có đưa ra một số biện pháp tham khảo như sau.
3.3.1. Xây dựng các bộ tài liệu số về du lịch bằng thiết bị Scan – Số hóa
Việc xây dựng các bộ tài liệu số hóa tại thư viện hiện nay là điều khá phổ biến. Các tài liệu được số hóa với mục đích cho việc dễ dàng chia sẻ, bảo quản và giảm kinh phí, diện tích cho thư viện.
Để xây dựng một bộ tài liệu số hóa chuyên đề về “du lịch” cho thư viện ngoài việc phải lựa chọn cán bộ có chuyên môn trình độ tốt, am hiểu về lĩnh vực du lịch thì còn phải có những trang thiết bị chuyên dụng. Về trang thiết bị chuyên dụng hiện nay trên thị trường, ông Dương Đình Hòa (Giám đốc Công ty IDT) có chia ra làm các loại như sau:
- Máy quét dạng trên cao (over – head scanner): sử dụng camera từ trên cao chụp lấy hình ản của tài liệu và tiến hành xử lý.
- Máy quét bán tự động: cũng được bố trí camera kiểu máy quét over – head, tuy nhiên loại máy này thường được trang bị thêm giá sách chuyên dụng tự nâng hạ bằng mô tơ, có tấm kính giữ phẳng tài liệu tự động đóng mở…
- Máy quét dạng tự động: thường sử dụng ScanRobot, hoặc cánh tay robot để tự động lật giở trang sách. Máy sẽ kết hợp hệ thống camera chụp trong quá trình lật giở.
- Máy quét đa dụng kết hợp nhiều chức năng: đây thường là các hệ thống lớn cho phép quét nhiều loại tài liệu khác nhau như tài liệu giấy, tài liệu dạng vi phim, tài liệu kính, hoặc có thể chụp vật thể…
- Máy quét 3D: chuyên sử dụng cho việc quét mô hình với các đối tượng vật thể như tượng bình gốm sứ, trống đồng… [6]
3.3.2. Cung cấp các bộ Cơ sở dữ liệu nghiên cứu, học tập cho lĩnh vực du lịch
Thư viện có thể mua các bộ Cơ sở dữ liệu liên quan đến lĩnh vực du lịch để cho người dùng tin sử dụng, tham khảo. Có thể mở rộng ra nhiều chủ đề liên quan khác nhau để người dùng tin có sự nghiên cứu, so sánh và đánh giá như: chủ đề Văn hóa và Phát triển của World Bank eLibrary, chủ đề Phát triển Nông thôn, Thành thị và Các vùng miền của OECD iLibrary, chủ đề Công nghiệp và Dịch vụ của OECD iLibrary… Các chủ đề tập trung về vấn đề phân tích kinh tế, có số liệu thống kê và bảng biểu chi tiết đến từ nhiều loại tài liệu khác nhau (tạp chí, sách, báo…) dưới dạng số hóa giúp cho người dùng tin nghiên cứu đi sâu vào các khía cạnh bao hàm, liên quan đến du lịch để từ đó đưa ra các phân tích, hoạch định chính xác cho xây dựng phát triển du lịch.
3.3.3. Sử dụng phần mềm thư viện tiện ích cho công việc khai thác, sử dụng tài liệu về du lịch
Để hoạt động được tốt hơn thư viện có sử dụng các hệ phần mềm Quản trị tích hợp như Ilib, Libol… Tại đây tác giả có đề xuất sử dụng phần mềm Kipos – Phần mềm thư viện thế hệ mới, tích hợp ba trong một (quản lý phần tài liệu truyền thống, quản lý phần tài liệu số, và cổng thông tin thư viện). Đây là phần mềm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chính thức công bố tuân thủ tiêu chuẩn METS (Metadata Encoding and Transmission Standard) trong giải pháp quản trị tài liệu số cho đến thời điểm hiện tại. Nhờ có phần mềm thư viện tiện ích như vậy thì thư viện sẽ hoạt động được hiệu quả hơn, nhất là trong công cuộc triển khai dịch vụ lưu thông tài liệu, cụ thể ở đây là các tài liệu về du lịch.
3.3.4. Đầu tư trang thiết bị công nghệ cao cho các cuộc triển lãm, thư viện lưu động trong các dịp lễ hội
Có khá nhiều loại thiết bị công nghệ cao có thể áp dụng tại các cuộc triễn lãm, thư viện lưu động trong các dịp lễ hội. Có thể sử dụng tủ trưng bày và trình diễn dạng 2D, 3D – loại tủ trưng bày có bốn mặt, mặt kính cảm ứng để tương tác. Thư viện có thể lựa chọn các loại tài liệu quý hiểm đặt vào trong tủ, người dùng tin có thể đọc, thăm quan, tương tác đọc tài liệu tại chỗ.
Hoặc có thể sử dụng tủ thư viện mini tại lễ hội: Cho phép bạn đọc tự động mượn và trả sách không cần sự có mặt của cán bộ thư viện. Có thể hoạt động độc lập bên ngoài thư viện. Bao gồm 5 giá có gắn đầu đọc RFID, máy tính và màn hình cảm ứng 19", đầu đọc thẻ, máy in biên lai, phần mềm mượn trả tự động LibShelf.
4. Kết luận
Thư viện có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội ngày nay, đặc biệt trong khía cạnh du lịch thư viện có thể tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến một cách hiệu quả nếu ta biết khai thác sử dụng một cách hợp lý thông qua các sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện được hình thành dựa trên cơ sở lý luận về nhu cầu của người dùng tin, cùng trang thiết bị công nghệ hiện đại hỗ trợ.
____________________________________________
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Hữu Giới (2019), Văn hóa đọc góp phần phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: http://thuvienquangninh.org.vn/tin/van-hoa-doc-gop-phan-phat-trien-du-lich-cong-dong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so--594.html
[2] Giới thiệu 4 bộ CSDL: WorlBank Elibary, OECD ILbrary, ITU ILibrary, UN ILibrary, tài liệu lưu hành nội bộ công ty IDT
[3] Hải Anh (2019), Dịch vụ thông tin – thư viện xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/dich-vu-thong-tin-thu-vien-xay-dung-tren-nen-tang-cong-nghe-thong-tin-954
[4] Hải Anh (2019), Ứng dụng công nghệ thông tin vào thư viện góp phần xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-vao-thu-vien-gop-phan-xay-dung-bao-ton-va-phat-trien-van-hoa-dan-gian
[5] Hải Anh (2019), Bộ Cơ sở dữ liệu OECD cung cấp thông tin phục vụ và dự báo kinh tế - xã hội cho Chính phủ, doanh nghiệp, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/bo-co-so-du-lieu-oecd-cung-cap-thong-tin-phuc-vu-va-du-bao-kinh-te-xa-hoi-cho-chinh-phu-doanh-nghiep
[6] Dương Đình Hòa (2019), Ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động của thư viện, Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo: Tổng kết công tác ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt trong các thư viện Việt Nam (2014 – 2019), Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đà Nẵng, tr.230 – 244)
[7] Phan Thị Huệ (2011), Người dùng tin trong hoạt động du lịch, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/nguoi-dung-tin-trong-hoat-dong-du-lich.html?fbclid=IwAR3G-FhQo7yilYTxys3PXorSr_iMCbMe_wkb1q8 -NBDQvF6OkwzNN1HhTX8
[8] Phan Thị Huệ (2010), Vai trò của thông tin – thư viện trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ở Quảng Ninh, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/vai-tro-cua-thong-tin-%E2%80%93-thu-vien-trong-hoat-dong-tuyen-truyen-quang-ba-xuc-tien-du-lich-o-quang-ninh.
html?fbclid=IwAR1FQJpXl_lcrk0pzg-tGgwtyKS6xdo_LNiKN7ZRK3ir6lvzdOK4N3ofjdc
[9] TTXVN/VNP (2019), Khai mạc Mùa lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2019, truy cập vào ngày 12/11/2019 tại địa chỉ: https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/khai-mac-mua-le-hoi-nghinh-ong-can-gio-nam-2019/426320.html
[10] http://cantholib.org.vn/ truy cập vào ngày 12/11/2019
[11] https://www.thuvienhanoi.org.vn/ truy cập vào ngày 12/11/2019
_______________________________________
Bài viết: Hải Anh
Ảnh bìa bài viết: http://www.amreading.com/