Thư viện với các công tác phục vụ người nông dân, nông thôn và nông nghiệp
TÓM TẮT: Bài viết có nói đến tầm quan trọng của thư viện với sự phát triển của nông nghiệp thông qua các hoạt động thực tiễn là phục vụ người nông dân, nông thôn hay người đọc (nói chung) từ đó có đưa những giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao công tác phục vụ này.
TỪ KHÓA: Thư viện, Nông dân, Nông nghiệp, Nông thôn, Công tác phục vụ
1. MỞ ĐẦU
Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời với nền văn hóa làng xã và văn minh nông nghiệp (lúa nước) gắn liền với tiến trình hình thành, phát triển của dân tộc. Đã từ lâu những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như “Con trâu đi trước cái cày đi sau” hay “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã ăn sâu trong tiềm thức của con người Việt, thể hiện một bản sắc văn hóa rất đậm đà, rõ nét về những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia sản xuất trong phạm vi một nền văn minh nông nghiệp, hay còn gọi là văn minh trồng lúa nước. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận định tại Việt Nam: “Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, nhưng lao động chiếm trên 42%. Đặc biệt, người dân ở nông thôn chiếm đến 70% dân số. Cơ cấu lao động là vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp” và “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay và với 70% dân số vẫn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn là yêu cầu cấp thiết” [1]. Từ đó ta có thể thấy được mức độ quan trọng của người nông dân – những con người sống và làm việc trực tiếp tại nông thôn gây ảnh hưởng đến nền nông nghiệp nước nhà. Theo báo cáo rà soát Nông nghiệp và Lương thực của OECD: Chính sách Nông nghiệp Việt Nam (2015) thì Chính phủ đã có những bước đi rõ rệt, với nhiều chính sách trong nước hỗ trợ cho nền nông nghiệp nói chung và người nông dân cụ thể nói riêng như: Chính phủ đã điều hành hệ thống Dự trữ quốc gia đối với một số hàng hóa kể từ khi thống nhất đất nước; năm 1992 Chính phủ bãi bỏ kiểm soát giá đối với hầu hết hàng hóa và các dịch vụ trong nền kinh tế; Quỹ bình ổn giá (PSF) được thành lập vào năm 1993 với mục tiêu điều tiết và bình ổn giá trong nước; nghĩa vụ đăng ký giá ban đầu chỉ được giới hạn cho doanh nghiệp của Nhà nước, đến năm 2010 nghĩa vụ này đã được mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối hoặc bán hàng thuộc danh mục đăng ký giá… [17]. Tuy nhiên để hỗ trợ người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp vững mạnh thì còn cần phải có nhiều yếu tố và các bên liên quan tạo điều kiện trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện) đã nhận định: “Trong các yếu tố góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân, ngành thư viện – thông tin đóng góp một vai trò quan trọng. “Kiến thức - Thông tin - Văn hóa” đã trở thành kiềng ba chân, thúc đẩy cho sự phát triển không chỉ của mỗi con người, mà còn cho sự phát triển trong mỗi cộng đồng và đất nước” [16], chính vì vậy trong phạm vi bài nghiên cứu tác giả chỉ tập trung nói đến những đóng góp của ngành thư viện Việt Nam (nói chung) đến các công tác để phục vụ người nông dân, xây dựng nông thôn mới, và phát triển nông nghiệp với một số ví dụ tiêu biểu cùng những đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác này.
2. THƯ VIỆN VỚI CÔNG TÁC PHỤC VỤ NGƯỜI NÔNG DÂN, NÔNG THÔN VÀ NÔNG NGHIỆP
2.1. Cung cấp tài liệu giúp phát triển văn hóa đọc, nâng cao tri thức của người nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới
Hơn hết trong các công việc, ngành nghề, để đạt được kết quả cao, tăng năng xuất sản phẩm thì trước đó những người làm việc phải có được trình độ căn bản do đặc thù công việc yêu cầu, và thậm chí còn phải liên tục nâng cao kiến thức bằng nhiều phương pháp. Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một cách rất rõ ràng những người có tri thức, kiến thức nền tảng tốt thì sẽ tạo ra được những thành tựu, đột phá trong công việc. Một trong những cách thức để tiếp nhận kiến thức là nhờ vào việc đọc sách, nhận thức sớm được tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với việc phát triển nông thôn Chính phủ đã có nhiều động thái rõ rệt trong vấn đề này: “Chỉ thị 42/CT-TW năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi… Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách đến cấp huyện, xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/ người/ năm. Tập trung củng cố phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là cơ sở…”, “Công văn số 2086/BVHTTDL-TV ngày 26/6/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hướng dẫn Sở VHTTDL và thư viện các tỉnh/ thành triển khai nhiệm vụ năm 2015 trong các lĩnh vực Thư viện: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh/ thành chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng của địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sách, báo, tư liệu bằng nhiều hình thức khác nhau, sinh động, hiệu quả, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, các chương trình công tác của Chính phủ, của Ngành, trong đó tập trung vào các chương trình: Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ, Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTT giữa Bộ VHTTDL với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã...” [19]
Trong công tác phát triển văn hóa đọc cho người nông dân thư viện đã có một số đóng góp tiêu biểu như:
- Thư viện tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Nông dân, ký Chương trình phối hợp xây dựng tủ sách nông dân ở cơ sở. Chương trình bắt đầu từ năm 2004, và tính đến khoảng năm 2016 thì hai bên đã phối hợp xây dựng thành công 40 tủ sách và 1 thư viện ở khắp 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Trung bình, mỗi tủ sách có 500 bản sách và 1 thư viện có trên 1.000 bản sách, có khoảng 50 bạn đọc thường xuyên. Thư viện tỉnh luân chuyển sách định kỳ 6 tháng/ 1 lần cho các tủ sách và thư viện Hội Nông dân, mỗi lần 200 bản sách mới, gồm các thể loại: pháp luật, nông nghiệp, y học, khoa học, văn học, sách thiếu nhi… [5]
- Thực hiện chủ trương “Đưa sách, báo về phục vụ cơ sở”, được sự hỗ trợ tích cực của Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh Thái Bình và Thư viện Nhà Văn hóa Trung tâm huyện Thái Thụy đã trao tặng hàng trăm cuốn sách ban đầu cho xã Thụy Văn mà từ đó xã Thụy Văn đã hình thành nên hệ thống thư viện, trạm sách, tủ sách từ năm 1988. Ông Vũ Hữu Bình – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thụy Văn, cho biết: Thấm nhuần việc “Đọc sách và làm theo sách” nên những người nông dân ở Thụy Văn đã áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Đưa giống lúa cao sản vào cấy trong phần lớn diện tích cho năng suất cao. Tăng trưởng trồng cây vụ đông xuất khẩu như khoai tây, bí xanh, ớt… nên mỗi ha cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt năng suất lúa trong những năm gần đây như 2011 đạt 124,88 tạ/ 1ha, năm 2012 đạt 132,22 tạ/ 1ha, 2014 đạt 134,58 tạ/ 1ha… đi theo chiều hướng phát triển liên tục. [3]
- Thư viện thôn làng nói chung cũng đóng góp một phần sức lực của mình trong công cuộc phát triển văn hóa, theo tác giả Nguyễn Thị Minh thì thư viện thôn làng là cầu nối tri thức giữa người dân và sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ngoài ra tác giả Nguyễn Thị Minh còn nhấn mạnh rằng “Có thể thấy, nơi nào có Thư viện cơ sở hoạt động có hiệu quả thì ở nơi đó người dân gắn kết với nhau, tình làng nghĩa xóm được gắn bó, hạn chế tệ nạn xã hội. Vì vậy, có thể nói, Thư viện cơ sở đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc kết nối nhân dân với tri thức ngay tại nơi mình sống. Đặc biệt khi hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh thì hơn bao giờ hết vai trò này càng nhân lên gấp bội.” [14]
Dù còn nhiều vấn đề tồn đọng mà các thư viện đã đề xuất như kinh phí cho đầu tư thư viện, việc xây dựng và phát triển các hệ thống thư viện chưa đồng đều, hay việc phân bổ đưa sách về các thư viện cơ sở còn hạn chế các đầu sách, tổ chức hoạt động thư viện còn thiếu trình độ chuyên môn… nhưng nhìn chung trong những năm qua ngành thư viện Việt Nam đã có những bước tiến, hành động cụ thể nhất định trong việc phục vụ người nông dân, đề cao, phát triển văn hóa đọc.
2.2. Cung cấp thông tin thư mục phục vụ nghiên cứu phát triển nền nông nghiệp
Thư mục là dạng tài liệu cấp 2 được chắt lọc, lựa chọn công phu theo các chuyên đề, chủ đề cụ thể về các vấn đề có trong xã hội giúp người sử dụng thư viện khai thác được các thông tin chỉ dẫn, cơ bản để tìm đến các tài liệu gốc phục vụ cho việc khai thác và sử dụng của mình. Ở mọi thư viện trên toàn quốc đa số đều có những bộ thư mục chuyên đề riêng biệt của mình tùy vào vai trò, chức năng, cũng như nhu cầu của những bạn đọc của thư viện. Thư viện trực thuộc trường Đại học thì có những bộ thư mục chuyên đề liên quan đến các chuyên ngành nhà trường đào tạo; hệ thống thư viện công cộng thì có những thư mục chuyên đề liên quan đến các vấn đề lịch sử, văn hóa, danh nhân… của địa phương; thư viện trực thuộc các ban, ngành, viện nghiên cứu thì có những thư mục liên quan đến chức năng nghiên cứu của nơi đó. Nông nghiệp vốn là một ngành khoa học, công việc gắn liền với đời sống người Việt Nam, chính vì vậy việc biên soạn thư mục chuyên đề liên quan đến chủ đề này là một điều tất nhiên đối với các thư viện, nhưng để được đánh giá chính xác, có hàm lượng khoa học cao thì phải kể đến các bộ thư mục chuyên đề do Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn.
Theo nhà Thư mục học Nguyễn Ngọc Mô (Nguyên Cán bộ thư mục Thư viện Quốc gia) giai đoạn những năm đầu 1955 – 1957, các thư mục do Thư viện Quốc gia Việt Nam biên soạn phần lớn thuộc loại khoa học xã hội phục vụ các ngày lễ lớn, một số ít theo yêu cầu của các cơ quan. Từ sau năm 1957 mới biên soạn các loại thư mục về khoa học kĩ thuật, chủ yếu phục vụ nông nghiệp. Giai đoạn 1965 – 1972 là giai đoạn chống Mỹ cứu nước, gặp nhiều khó khăn trong công tác thư viện, sách báo phải đem đi sơ tán, nhưng Phòng thư mục vẫn cố gắng biên soạn các loại thư mục, trong đó có các thư mục phục vụ nông nghiệp như: Nông cụ cải tiến và cơ khí nhỏ trong nông nghiệp, Thâm canh lúa, Bảo vệ cải tạo đồng cỏ, Cải tạo đất, Chống xói mòn và công tác thủy lợi, Cơ khí hóa nông nghiệp, Luân canh, Tìm hiểu cây đặc sản Việt Nam. [15]
Đến năm 1977 Thư viện Quốc gia đã biên soạn thư mục bậc 1 và bậc 2 (liên hợp) về nông nghiệp để dốc sức vào thực hiện những nhiệm vụ do Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra cho ngành nông nghiệp. Nhà Thư viện học Lê Văn Viết (Nguyên Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam) có đánh giá rằng các thư mục này còn sơ sài, trong cấu trúc, sắp xếp còn gặp nhiều vấn đề,… Tuy còn khá nhiều điều bất cập để nói đến, nhưng dù sao như chính nhà Thư viện học Lê Văn Viết đã nhận xét thì: “Những thư mục này sẽ đáp ứng được một phần nào các yêu cầu hiện nay của những người làm công tác thư viện trong cả nước, giúp các nhà cơ khí nông nghiệp tìm tài liệu, nghiên cứu có hệ thống về ngành mình…” [20]
Bà Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện) có nhận định về Thư viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau: “Nơi bộ sưu tập phong phú nhất về nông nghiệp có thể kể đến là: Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là kho tư liệu đầu ngành về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi và thuỷ sản, do Trung tâm Tin học và Thống kê quản lý.” [16]
Tại Thư viện có một số bộ Cơ sở dữ liệu (CSDL) rất có giá trị về nông nghiệp như sau:
- CSDL thư mục tóm tắt hoặc toàn văn các kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật, báo cáo khoa học của các Viện, các Trung tâm Nghiên cứu và các Trường Đại học trong ngành và một số ngành có liên quan về khoa học công nghệ, kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn... Hiện CSDL có trên 14.000 biểu ghi và được cập nhật thường xuyên.
- CSDL KHCN1 và KHCN 2: CSDL thư mục có tóm tắt các công trình nghiên cứu trên thế giới về mọi khía cạnh quan trọng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và ngư nghiệp. Chủ đề chính bao gồm quản lý vật nuôi, cây trồng, di truyền, nhân giống, bảo vệ thực vật, thú y, kinh tế, công nghệ sau thu hoạch... Đây là bộ sưu tập từ nhiều nguồn CSDL CD-ROM của nước ngoài, hiện có trên 2 triệu biểu ghi và được cập nhật hàng quí.
- CSDL toàn văn về báo cáo kết quả nghiên cứu của các đề tài trong và ngoài ngành liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn với trên 1.000 báo cáo và được cập nhật thường xuyên.
Nhìn một cách tổng thể Thư viện Quốc gia Việt Nam hay Thư viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cung cấp những thông tin thư mục có giá trị về nông nghiệp nhưng phần đông vẫn dùng để phục vụ các nhà hoạch định chính sách, quản lý, nghiên cứu, sinh viên và các nhà khoa học, còn đối với người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, dù rằng nhìn ở góc độ đóng góp thì không thể phủ nhận rằng đối nền nông nghiệp nước nhà thì các thông tin thư mục này giúp ích cho việc nghiên cứu để từ đó đưa ra các dự án, đề xuất xây dựng nền nông nghiệp nước nhà phát triển, năng suất và vững mạnh hơn.
2.3. Tạo lập các Bộ sưu tập số liên quan đến nông nghiệp phục vụ nhu cầu khai thác tin của người dân tạo điều kiện xây dựng nông thôn
Theo tác giả Nguyễn Minh Hiệp (Nguyên Giám đốc Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh) thì “Bộ sưu tập số (Digital Collection): Tạo nên những Bộ sưu tập để xây dựng Thư viện số. Một Bộ sưu tập thông tin bao gồm nhiều tài liệu dưới nhiều dạng thức khác nhau: văn bản, hình ảnh, âm thanh, hình ảnh động. Tài liệu là đơn vị căn bản từ đó sưu tập thông tin được xây dựng. Một bộ sưu tập có thể chứa nhiều loại tài liệu khác nhau, tuy nhiên cung cấp một giao diện đồng nhất qua đó tất cả các tài liệu có thể được truy cập, mặc dù cách mà tài liệu đó hiển thị sẽ tùy thuộc vào phương tiện và dạng thức của tài liệu đó. Thông thường Bộ sưu tập được tạo nên từ những Phần mềm nguồn mở.” [9]
Các Bộ sưu tập số như nhận định ở trên là một tập hợp những thông tin có giá trị được biên soạn bởi gồm nhiều tài liệu khác nhau được chuyển về dạng số với các chuyên đề biên soạn bởi các thư viện. Đối với chuyên đề về nông nghiệp đã được một số thư viện biên soạn để phục vụ người dân khai thác và sử dụng.
Theo tác giả Nguyễn Văn Cư (Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) thì từ khi triển khai chương trình nông thôn mới đến nay (2012 – 2016) Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh với nỗ lực của mình đã xây dựng được nhiều bộ sưu tập số có giá trị, một trong những bộ sưu tập số được truy cập nhiều nhất là:
- Bộ sưu tập số dưới dạng bản tin chọn lọc phục vụ nông thôn mới: Bản tin được tập hợp những bài đăng trên báo, tạp chí được sưu tầm theo chủ đề phù hợp với người nông dân ở các xã nông thôn mới.
- Bộ sưu tập về cây ăn quả: Đây là bộ sưu tập đặc biệt có giá trị bao gồm các tài liệu về hội nghị, hội thảo của các nhà khoa học nổi tiếng khắp cả nước về lĩnh vực cây ăn quả, các kết quả nghiên cứu thực tiễn, các đề tài khoa học mang tính quốc gia về nông nghiệp. Người dân có thể khai thác và tra cứu tại website của thư viện.
- Bộ sưu tập số về cây lúa: Bộ sưu tập này tạo lập xác thực với nhu cầu thực tế và cô đọng hơn giúp nông dân có thể áp dụng ngay vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng về nông nghiệp. [4]
Cũng giống như hình thức cung cấp thông tin thư mục, việc cung cấp và tạo lập các Bộ sưu tập số của các thư viện cũng tạo ra rất nhiều ích lợi cho nền nông nghiệp của Việt Nam nói chung, và hơn hết các Bộ sưu tập số này có mở rộng bao quát phạm vi cho rất nhiều người có thể khai thác.
3. GIẢI PHÁP CHO THƯ VIỆN ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI NÔNG DÂN, NÔNG THÔN VÀ NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC HIỆU QUẢ HƠN
3.1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, con người
3.1.1. Thay đổi nhận thức của người làm lãnh đạo, quản lý về vai trò của thư viện với nông dân, nông thôn và nông nghiệp
Thư viện xuất hiện trong hầu hết các hoạt động của đời sống chỉ có điều đôi khi vì tính chất đặc thù của nhiệm vụ và chức năng của mình nên thư viện luôn khiêm nhường, không nổi bật hơn so với các tổ chức, lĩnh vực khác. Trong thời kì chuyển giao của cuộc Cách mạng 4.0 đang bùng nổ, đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi, nhìn nhận đúng đắn về các vấn đề mới cũng như cũ trong xã hội để kịp thời tiến đến một giai đoạn phát triển chung của toàn thế giới. Chính vì vậy thư viện – một thiết chế xã hội giúp phổ biến, tổ chức, lưu trữ, xử lý thông tin phải được nhìn nhận đúng đắn về tầm quan trọng của mình. Việc nhìn nhận về tầm quan trọng của thư viện trong đời sống, dân tộc hay đất nước hiện nay nếu đến từ các cấp lãnh đạo, quản lý – những người có quyền quyết định thì từ đó sẽ có những chính sách, quy chế, cơ chế hợp lí để xây dựng, phát triển ngành Khoa học Thư viện – Thông tin tại Việt Nam nói chung và các Trung tâm Thông tin – Thư viện, Thư viện,… nói riêng.
Vậy để thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo thì không thể chỉ bằng việc nói suông bằng lí thuyết được mà phải kết hợp từ các lí luận chặt chẽ, đầy đủ đúc kết, rút ra được từ các cuộc Hội thảo Khoa học, Tọa đàm Khoa học, Sự kiện Khoa học… với các hành động thực tiễn do chính những người đang làm việc liên quan hoặc trực tiếp với ngành thư viện bằng các cách như tổ chức các ngày hội đọc sách, thành lập Club đọc sách, giới thiệu sách… Từ những hành động nhỏ ban đầu, cho đến những hành động lớn từ những cuộc tọa đàm hội thảo của các thư viện; tác giả tin những nỗ lực không ngừng này sẽ đánh động được vào tầm nhận thức của các cấp lãnh đạo khi kết quả thu được đạt thành tựu tốt.
Muốn thay đổi nhận thức của người làm lãnh đạo thì trước hết từ chính những người làm công việc liên quan hoặc trực tiếp đến công tác thư viện phải thay đổi nhận thức trước, họ sẽ là những người có những hành động thiết thực để thể hiện tầm quan trọng của thư viện có trong xã hội, từ đó các cấp lãnh đạo sẽ tham chiếu và nhận thấy vai trò của thư viện đối với mọi mặt của cuộc sống, trong đó sẽ nhấn mạnh đến vấn đề mà tác giả đang nói trong bài viết này đó là phục vụ nông dân, nông thôn và nông nghiệp.
3.1.2. Tuyên truyền cho người dân về vai trò của thư viện với sự phát triển của nông nghiệp
Đã từ lâu trong nhiều công việc hoạt động “tuyên truyền” luôn được coi trọng và triển khai. Ngay từ trong thời kì kháng chiến, người Việt Nam ta đã ý thức được việc này nên trong công cuộc giữ nước chống lại quân xâm lược chúng ta đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để hành động. Ngoài việc phải bắt buộc sử dụng vũ lực để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền ra thì chúng ta còn dùng các phương tiện truyền thông khác như rải đơn từ, biểu tình, loa phát thanh, báo chí… để thể hệ rõ đường lối, chính sách của Đảng, thể hiện sự quyết tâm trong công cuộc giải phóng đất nước. Đối với thư viện cũng tương tự như vậy, để nhấn mạnh vai trò của thư viện với sự phát triển của nông nghiệp chúng ta cũng phải sử dụng đến truyền thông.
Trong thời đại hiện nay, sự bùng nổ của thông tin tri thức được phát tán trên diện rộng thông qua môi trường kĩ thuật số (mạng) bởi các ứng dụng tiện ích khác nhau (các app, phần mềm, ứng dụng điện tử…) trên các thiết bị điện tử (Laptop, Smart Phone, Ipad…). Nhờ sự lan truyền trên diện rộng một cách nhanh chóng và dễ dàng trên mạng xã hội nên đã có rất nhiều doanh nghiệp, Chính phủ đầu tư cho việc khai thác, sử dụng, tuyên truyền cho nhiều mục đích của mình trên đó. Trong thực tế hiện nay đã có khá nhiều thư viện Việt Nam đã triển khai xây dựng những tài khoản của thư viện mình trên các trang mạng xã hội, ứng dụng xã hội để từ đó phục vụ cho công tác bạn đọc, phục vụ cho công tác tuyên truyền về hình ảnh của thư viện, về văn hóa đọc… tuy nhiên nhìn chung thì chưa phải toàn bộ các thư viện trên toàn quốc đều ứng dụng hết giải pháp này, và nếu có sử dụng thì mức độ khai thác còn hạn chế, chưa triệt để, vẫn chưa có những hướng đi, hành động hiệu quả rõ rệt cho công việc này. Chính vì vậy theo tác giả trong thời đại hiện nay khi mà công nghệ đã được len lỏi đến hầu hết mọi nơi trên thế giới thì các cơ quan thư viện phải sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc này, và phải triển khai trên các ứng dụng mạng xã hội đang được nhiều người quan tâm và sử dụng. Cụ thể như tạo lập tài khoản trên facebook về thư viện của cơ quan mình, trên đó sẽ đăng tải các hình ảnh, hoạt động của thư viện, đăng tải các album theo chủ đề trong có các hình ảnh sách với các caption trong đó là những thông tin giới thiệu về sách, đăng tải những clip hướng dẫn đào tạo người dùng tin, sử dụng dịch vụ của thư viện, hay đơn thuần chỉ là các hoạt động của thư viện; tạo tài khoản youtube để đăng các clip giới thiệu sách, giới thiệu về thư viện; tạo lập tài khoản zalo, skype của cán bộ bộ phận dịch vụ của thư viện để tiện trao đổi, tư vấn tin cho bạn đọc… nhưng lưu ý là phải đề ra các kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể, và triển khai song hành truyền thông bằng môi trường mạng này với các hoạt động cụ thể khác.
Ngoài ra việc tuyên truyền bằng các phương pháp truyền thống là không thể bỏ qua bằng những hành động như: tổ chức tọa đàm, hội thảo, triển lãm, giới thiệu sách…
3.1.3. Đào tạo các kĩ năng tổ chức, xử lý thông tin cho các cán bộ thư viện cơ sở
Các thư viện cơ sở như thư viện tỉnh, huyện, xã, thôn, làng… là những thư viện có mức độ gần gũi nhất đối với người nông dân – những người trực tiếp trong công cuộc hoạt động, duy trì, thay đổi nền nông nghiệp. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là vì nhiều lí do khác nhau nên những người hoạt động trong các thư viện cơ sở phần đông còn thiếu năng lực, kĩ năng chuyên môn. Bản thân những người phục vụ thư viện lại không có đủ kĩ năng nghiệp vụ thì chưa cần nói đến vấn đề giúp người nông dân khai thác được thông tin cụ thể, chính xác và hiệu quả về nông nghiệp mà chỉ cần nói đến các vấn đề chung khác trong hoạt động thư viện như xử lý thông tin, hay tổ chức dịch vụ thì họ vẫn còn gặp nhiều hạn chế, nhiều khó khăn. Chính vì vậy cần phải có những lớp học, khóa học hay các buổi đào tạo về nghiệp vụ ngắn hạn cho các tổ chức hay cá nhân phụ trách về thư viện, để từ đó họ có kiến thức nền tảng, hoạt động thư viện do mình quản lý được hiệu quả và tốt hơn, trong đó công cuộc phát huy hiệu quả phục vụ người nông dân về nông nghiệp sẽ được cải thiện đi cùng.
3.2. Nhóm giải pháp về xây dựng đầu tư, ứng dụng công nghệ
3.2.1. Xây dựng định hướng mô hình Learning Commons vào các thư viện công cộng trung tâm để triển khai các dịch vụ mới phục vụ người nông dân
Trong một bài viết của tổ chức IFLA (Liên đoàn Quốc tế các hội và cơ quan thông tin thư viện) có nói đến một thư viện công cộng nằm tại một vùng nông thôn nhỏ thuộc tỉnh Free State (Nam Phi) đã hỗ trợ những người dân tại đây trong cuộc sống bằng những phương pháp rất hiệu quả. Cụ thể, một nhóm người dân bao gồm các thanh niên và phụ nữ thất nghiệp trong khu vực đã thành lập một Hợp tác xã nông nghiệp để hoạt động, nhưng thách thức đặt ra đối với họ là bản thân họ thiếu các kĩ năng, họ không có các kiến thức về nông nghiệp nói chung và kiến thức về công nghệ thông tin. Vì vậy để giải quyết được việc đó thư viện đã tổ chức và thiết kế một chương trình đào tạo kiến thức về máy tính, cung cấp thông tin cơ bản về công nghệ thông tin cho người dân; sau đó họ còn tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã trong việc là địa điểm trung gian, cung cấp không gian cho người dân trong các cuộc họp về kinh doanh với các bên liên quan khác, cũng như quyền truy cập vào các thiết bị công nghệ. Từ đó người nông dân đã thu được những thành tựu đáng kể, sản lượng nông nghiệp của họ được đi lên trông thấy, kinh tế được cải thiện rõ rệt. [12]
Với cách thức hoạt động như nói trên của một thư viện công cộng ở Nam Phi thì bản thân tác giả cảm thấy nó phù hợp với một mô hình thư viện công cộng định hướng theo Learning Commons. Bản chất của mô hình định hướng Learning Commons tại thư viện công cộng là hướng đến người đọc là trung tâm của mọi hoạt động, và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong đó cho nên mô hình này nhìn chung đã khá tiện ích đối với nhiều người đọc. Trong vấn đề triển khai, tổ chức hoạt động, dịch vụ thì mô hình Learning Commons càng thể hiện điểm mạnh của mình để phục vụ người nông dân là với 16 khu vực chuyên biệt với nhiều phòng học, không gian công nghệ… [18]. Thư viện theo kiểu mô hình này có thể giúp đỡ trở thành khu vực trung gian cho hoạt động của người nông dân trong việc trở thành nơi cho các cuộc họp về kinh doanh với các bên liên quan khác, và ngoài ra nhấn mạnh hơn rằng thư viện còn có thể hỗ trợ đào tạo sử dụng công nghệ cho người nông dân với các trang thiết bị hiện đại của mình.
3.2.2. Sử dụng các thiết bị để số hóa tài liệu giúp chia sẻ, lưu trữ thông tin về nông nghiệp được thuận lợi hơn
Số hóa tài liệu đang là xu hướng của các thư viện hiện nay, các tài liệu khi được số hóa sẽ dễ dàng chia sẻ thông tin trong môi trường số không bị hạn chế như với tài liệu gốc trong môi trường thực, vật lý; tài liệu số được khai thác, sử dụng không phục thuộc vào không gian, thời gian, điểm truy cập và số lượng truy cập. Hơn hết việc số hóa tài liệu sẽ giúp lưu trữ, bảo quản thông tin được lâu dài hơn, so với tài liệu bản gốc (thường) chỉ là những cuốn sách giấy dễ bị hỏng do tác động của môi trường, vi sinh vật, các loài côn trùng… Bản thân khi số hóa tài liệu ta có thể cấp quyền cho nhiều người cùng lúc sử dụng, không phải nhất thiết bỏ ra nhiều chi phí để mua nhiều bản để phục vụ bạn đọc như ở tài liệu thông thường, chính vì vậy số hóa tài liệu cũng là một cách thức để tiết kiệm chi phí cho thư viện theo bước tiến dài lâu. Vì vậy có thể nói nếu chúng ta sử dụng phương pháp số hóa tài liệu bằng các trang thiết bị công nghệ thì sẽ rất giúp ích cho các hoạt động phục vụ người nông dân, nông thôn và nông nghiệp. Đối với việc số hóa tài liệu thì hiện nay trên thị trường theo như ông Dương Đình Hòa (Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số) có những loại thiết bị máy móc sau:
“Máy quét dạng trên cao (over-head scanner): sử dụng camera từ trên cao chụp lấy hình ảnh của tài liệu và tiến hành xử lý. Thường đây là dạng máy thủ công, cho phép quét một cuốn sách mà không cần tháo gáy.
Máy quét dạng bán tự động: cũng được bố trí camera kiểu máy quét over-head, tuy nhiên loại máy này thường được trang bị thêm giá sách chuyên dụng tự nâng hạ bằng mô tơ, có tấm kính giữ phẳng tài liệu tự đóng mở, và phần mềm của máy cho phép thiết lập các thao tác máy tự động scan, nâng hạ giá đỡ sách, đóng mở tấm kính. Khi đó người vận hành chỉ việc thao tác lật trang tài liệu. Các máy quét bán tự động có thể cho tốc độ khá cao lên đến trên 1.000 trang/giờ.
Máy quét dạng tự động: thường sử dụng Scanrobot, hoặc cánh tay robot để tự động lật giở trang sách. Máy sẽ kết hợp hệ thống camera chụp trong quá trình lật giở. Như vậy người vận hành chỉ việc thực hiện các thao tác điều khiển và theo dõi hoạt động của máy. Tốc độ của các máy quét tự động thường là rất cao, có thể lên tới 2.500 đến 3.000 trang/giờ.
Máy quét đa dụng kết hợp nhiều chức năng: đây thường là các hệ thống lớn cho phép quét nhiều loại tài liệu khác nhau như tài liệu giấy, tài liệu dạng vi phim, tài liệu kính, hoặc có thể chụp ảnh vật thể như tượng, đồng xu, con tem, mộc bản, văn bia… Dạng máy quét này thường được trang bị camera quét với độ phân giải cực cao và cho các kết quả số hóa là các hình ảnh chất lượng rất tốt.
Máy quét 3D: chuyên dụng cho việc quét mô hình các đối tượng vật thể như tượng, bình gốm sứ, trống đồng… Tuy nhiên việc số hóa mô hình 3D thường cho độ chân thực với bản gốc không cao như các máy chụp ảnh vật thể.
Ngoài ra trong nhiều mô hình thư viện hiện đại trong thời gian gần đây còn cho phép việc sử dụng các máy scan tự phục vụ (self-service scanner), tức là thư viện đặt các máy scan tại một số nơi trong thư viện, cho phép bạn đọc tự quét một phần tài liệu theo nhu cầu và gửi về email của mình. Bạn đọc tự thao tác và chịu trách nhiệm về hành vi bản quyền đối với tài liệu đó.” [10]
3.2.3. Quản lý tài liệu số bằng phần mềm để phục vụ người nông dân
Như đã nói ở trên, số hóa là công việc nên làm để phục vụ người đọc tại thư viện được tốt hơn, nhưng khi số hóa tài liệu rồi lại có những bài toán đặt ra cho thư viện là: Làm thế nào để quản lý và khai thác tốt các tài liệu số đó? Tác giả ở đây có đề xuất sử dụng phần mềm Kipos. KIPOS là sự kết hợp các chức năng tự động hóa thư viện (thư viện điện tử), thư viện số và cổng thông tin trong một chỉnh thể thống nhất. [21]
Kipos là phần mềm nội địa đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của chuẩn METS (Metadata Encoding and Transmission Standard). Để cho rõ hơn về thế nào là chuẩn METS tác giả xin trích dẫn nguyên văn giải thích của bà Phạm Thị Yến (Công ty Cổ phần Phần mềm Quản lý Hiện đại) như sau:
“Một đối tượng số luôn có ba loại siêu dữ liệu mô tả tổng hợp các thông tin cần thiết để đảm bảo khả năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng tài liệu số, đó là:
- Siêu dữ liệu mô tả (Descriptive metadata): Siêu dữ liệu dạng này cung cấp các thông tin mô tả của tài liệu như nhan đề, tác giả, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản… giúp người sử dụng thư viện số có thể tìm và truy cập đến thông tin họ cần. Một tiêu chuẩn siêu dữ liệu mô tả mà các thư viện hiện nay đang sử dụng phổ biến đó là MARC (Machine Readanle Catalog) và đáp ứng rất tốt cho công tác biên mục của một thư viện. Một tiêu chuẩn siêu dữ liệu mô tả quan trọng khác nữa để mô tả cho tài liệu đó là Dublin Core với 15 trường tin giản lược dễ sử dụng.
- Siêu dữ liệu quản trị (Administrative metadata): Siêu dữ liệu này chỉ ra các thông tin cần thiết cho các nhà quản lý thư viện số để có thể quản lý các đối tượng. Bao gồm các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ, các thông tin kỹ thuật về đối tượng như: độ phân giải của hình ảnh, kích cỡ tệp tin, hoặc tốc độ truyền tệp tin âm thanh.
- Siêu dữ liệu cấu trúc (Structural): Siêu dữ liệu này chỉ ra các thông tin về các thành phần cấu tạo nên đối tượng liên quan đến nhau như thế nào: Ví dụ, một cuốn sách bao gồm nhiều chương, mỗi chương sách có thể có các mục nhỏ… Ngoài ra, cũng có những hình vẽ minh hoạ riêng rẽ và siêu dữ liệu cấu trúc cũng có thể liên kết những hình này tới các chương sách hoặc tới một danh mục bao gồm tất cả các hình ảnh minh hoạ trong một cuốn sách. Siêu dữ liệu cấu trúc giúp người sử dụng có thể di chuyển nhanh chóng đến từng chương, từng phần của tài liệu số.
METS là một tiêu chuẩn mới được thiết kế để mã hoá các loại siêu dữ liệu trên cho việc mô tả hoàn chỉnh một đối tượng trong thư viện số, nghĩa là một biểu ghi METS sẽ bao gồm đầy đủ các thông tin của ba loại siêu dữ liệu trên.” [21]
3.2.4. Khai thác các Bộ CSDL Quốc tế về vấn đề nông nghiệp
Thế giới hiện nay đang trong giai đoạn chia sẻ tri thức, có rất nhiều Bộ CSDL Quốc tế được các tổ chức Chính phủ cũng như phi Chính phủ tạo lập từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, tổng hợp các tài liệu giá trị theo nhiều định dạng, trích xuất hoặc bản toàn văn từ các luận văn, luận án, báo, tạp chí… với nhiều chủ đề có giá trị. Một trong những Bộ CSDL hiện nay có nói về chủ nông nghiệp (trong đó có nhiều loại tài liệu khác, khi mua quyền truy cập người dùng còn có thể trích xuất thành bảng biểu, sơ đồ, thống kê..) như:
Bộ chủ đề về Nông nghiệp của World Bank (Tổ chức liên chính phủ quốc tế (1944), hợp tác với các nước đang phát triển để giảm đói nghèo, tăng cường sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng sống cho các quốc gia này).
Bộ chủ đề Nông nghiệp và Thực phẩm của OECD (OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organization for Economic Cooperation and Development). OECD được thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. [6]
4. KẾT LUẬN
Trên thực tế công tác thư viện có mặt ở hầu hết trên mọi hoạt động, lĩnh vực của đời sống, chỉ có điều nó không quá nổi bật cho nên nhiều người không hiểu được tầm vai trò, chức năng và vị trí quan trọng của thư viện trong xã hội. Khi còn là sinh viên, tôi từng nhớ giảng viên của mình đã nói một câu nói thế này: Chúng ta không thể bắt một người đọc xong một cuốn sách là làm giàu ngay được, bản thân việc đọc sách là việc tích lũy tri thức, đó là công việc nền tảng, tạo những nền móng vững chắc để rồi sau này xây thành những ngôi nhà cao tầng. Bây giờ, nếu nói như đúng câu nói của giảng viên tôi thì nhìn lại việc đọc sách, truyền bá tri thức đến không từ đâu xa, mà đến ngay từ những thư viện. Thư viện với những hoạt động của mình tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại ầm thầm đóng góp những hạt giống lành giúp kiến tạo xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Trong bài viết này tôi nhấn mạnh lại lần nữa những công sức đóng góp của thư viện trong các hoạt động phục vụ người nông dân, nông thôn và nông nghiệp là rất quan trọng. Tuy bài viết còn chưa thật sự đầy đủ và bao quát, hơn hết có một số thuật ngữ và định nghĩa chưa được giải thích triệt để, nhưng tôi tin rằng đây là một công trình khoa học nhỏ có những đóng góp nhất định cho những người quan tâm về vấn đề nông nghiệp với thư viện. Ngay trong chỉ dẫn của IFLA (Liên đoàn Quốc tế các hội và cơ quan thông tin thư viện) cũng có nhấn mạnh ở việc thư viện với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ở mục tiêu 2: Xóa đói – Thư viện hỗ trợ mục tiêu này bằng việc:
“Cung cấp các nghiên cứu và dữ liệu nông nghiệp nhằm tăng năng suất mùa vụ và bền vững hơn.
Giúp nông dân tiếp cận các nguồn lực trực tuyến về giá cả thị trường trong nước, báo cáo thời thiết và các thiết bị mới.” [11]
PHỤ LỤC HÌNH ẢNH:
Ngoài các hoạt động tiêu biểu như đã kể ở trên thì ở dưới đây là một số hình ảnh tác giả sưu tầm liên quan đến hoạt động của thư viện với người nông dân.
_______________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2019), Thiếu lao động có trình độ cao đáp ứng nông nghiệp thời kỳ 4.0, truy cập vào ngày 16/12/2019 tại địa chỉ: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=29660
[2] Bưu điện tỉnh Bắc Ninh (2019), Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp luân chuyển sách phục vụ bạn đọc tại các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Kỷ yếu Hội thảo Xác định nhu cầu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, TP. Bắc Ninh, tr.94-97.
[3] Nguyễn Văn Cấp (2015), Công tác thư viện và phong trào đọc sách với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Thụy Văn, Tạp chí Thư viện Việt Nam Số 6 (2015), Hà Nội, tr.65-66.
[4] Nguyễn Văn Cư (2016), Xây dựng bộ sưu tập số phục vụ chương trình Nông thôn mới tại thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội nghị Tổng kết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng (2006-2016), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, tr.190-194.
[5] Bích Dung (2016), Ghi nhận từ chương trình phối hợp giữa Thư viện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, Tạp chí Thư viện Việt Nam Số 3 (2016), Hà Nội, tr.66-67.
[6] Giới thiệu 4 bộ CSDL WordBank eLibrary, OECD iLibrary, ITU iLibrary, UN iLibrary (tài liệu lưu hành nội bộ công ty IDT).
[7] Vũ Thúy Hậu (2018), Đổi mới hoạt động tại Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kỷ yếu Hội thảo Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, tr.83-91.
[8] Vũ Thúy Hậu (2019), Những thay đổi của thư viện nông nghiệp trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, tr.46-55.
[9] Nguyễn Minh Hiệp (2014), Thư viện số và vấn đề xây dựng thư viện số tại Việt Nam, truy cập vào ngày 16/12/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/thu-vien-so-va-van-de-xay-dung-thu-vien-so-o-viet-nam.html
[10] Dương Đình Hòa (2019), Ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động của thư viện, Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo: Tổng kết công tác ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt trong các thư viện Việt Nam (2014 – 2019), Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đà Nẵng, tr.230 – 244.
[11] Đỗ Văn Hùng, Kiều Thúy Nga, Bùi Thị Thủy, Phạm Thế Khang (2017), Vai trò của thư viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Tạp chí Thư viện Việt Nam số 4 (2017), Hà Nội, tr.3-12.
[12] IFLA (2019), Library gives rural farmers access to ict, skills and support to grow their businesses, truy cập vào ngày 16/12/2019 tại địa chỉ: https://librarymap.ifla.org/stories/South-Africa/LIBRARY-GIVES-RURAL-FARMERS-ACCESS-TO-ICT,-SKILLS-AND-SUPPORT-TO-GROW-THEIR-BUSINESSES/137?fbclid=IwAR0LLV_q3fUVz13XwpB1DQlEpOw2qOtYe5hFZlaUy4IYb7G2XdgY8PcNZAk
[13] Nguyễn Thị Liên (2019), Xác định nhu cầu và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh, Kỷ yếu Hội thảo Xác định nhu cầu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, TP. Bắc Ninh, tr.166-183.
[14] Nguyễn Thị Minh (2019), Thư viện thôn làng – cầu nối tri thức giữa người dân và sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, Kỷ yếu Hội thảo Xác định nhu cầu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, TP. Bắc Ninh, tr.162-165.
[15] Nguyễn Ngọc Mô (2002), Tìm hiểu lịch sử ngành thư viện – lưu trữ hồ sơ Việt Nam, NXB. Thế giới, Hà Nội.
[16] Vũ Dương Thúy Ngà (2010), Hoạt động thư viện và cung cấp thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, truy cập vào ngày 16/12/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/hoat-dong-thu-vien-va-cung-cap-thong-tin-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-va-nong-dan-trong-su-nghiep-doi-moi.html
[17] OECD, Báo cáo rà soát Nông nghiệp và Lương thực của OECD: Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, truy cập vào ngày 16/12/2019 tại địa chỉ: https://www.oecd.org/countries/vietnam/OECD-Review-Agricultural-Policies-Vietnam-Vietnamese-Preliminaryversion.pdf
[18] Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Khánh Ly (2019), Không gian thư viện hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội, tr.184-191.
[19] Vũ Hồng Vân (2016), Phát triển văn hóa đọc trong việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, Tạp chí Thư viện Việt Nam Số 2 (2016), Hà Nội. tr.21-25.
[20] Lê Văn Viết (2006), Vài ý kiến về tập thư mục “Cơ giới hóa nông nghiệp” của Thư viện Quốc gia, Thư viện học: Những bài viết chọn lọc, NXB.Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.397-402.
[21] Phạm Thị Yến (2017), METS – trong bài toàn quản lý thư viện số hiện nay, truy cập vào ngày 16/12/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/mets-trong-bai-toan-quan-ly-thu-vien-so-hien-nay.html
[22] http://thuvien.mard.gov.vn/ truy cập vào ngày 16/12/2019.
_________________________________________________________________
BÀI VIẾT: Hải Anh
ẢNH BÌA BÀI VIẾT: Các hội viên nông dân thôn Vĩnh Tuy 3 đang đọc sách tại thư viện (Nguồn: https://snn.quangbinh.gov.vn/3cms/khai-truong-thu-vien-nong-dan.htm)