Thư viện với các nỗ lực ngăn ngừa tệ nạn “xâm hại tình dục trẻ em”
TÓM TẮT: Bài viết chỉ ra những lí luận cơ bản về khái niệm, cách phòng chống nói chung về tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời qua đó nhấn mạnh đến vai trò của Thư viện trong vấn đề ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em từ lí luận nghiệp vụ cho đến thực tiễn các hoạt động của Thư viện Việt Nam trong vấn đề này. Cuối cùng dựa vào những hoạt động thực tiễn của Thư viện Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em mà tác giả có đưa ra kết luận cùng một số giải pháp để tiếp tục nâng cao, phát triển hoạt động này.
TỪ KHÓA: Thư viện, Ngăn ngừa, Xâm hại tình dục trẻ em, Ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em, Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
Ảnh bìa bài viết là hình ảnh các em học sinh tại trường Tiểu học Hưng Thịnh đang đọc hơn 600 bản sách về giáo dục giới tính, kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, sổ tay hướng dẫn công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ bị bạo lực xâm hại tình dục, truyện tranh .... do Thư viện Thuận An luân chuyển tới trường.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời buổi hội nhập ngày nay Việt Nam phải đối đầu với nhiều thách thức lớn, từ các vấn đề An ninh - Chính trị - Quốc phòng, cho đến các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm văn hóa, khủng hoảng kinh tế… Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có nhiều cơ hội để vươn mình lên mạnh mẽ như thế, cũng có thể nói đây cũng là thời điểm Việt Nam gặp rất nhiều thách thức và chông gai trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Nhưng có những vấn đề thuộc về nội tại cần được giải quyết triệt để, vì là những điểm nóng, những vấn đề nhạy cảm cần phải ngăn ngừa tránh gây bức xúc dư luận, mất cân bằng bình đẳng xã hội để Việt Nam tự tin hơn trong việc bắt tay cùng phát triển với các nước trên thế giới. Các vấn đề còn tồn đọng đó thì nhiều, nhưng có một sự việc đặc biệt hơn cả đã gây hoang mang bức xúc dư luận không ít trong những năm gần đây, đó chính là tệ nạn “xâm hại tình dục trẻ em”. Có một thời gian gần như ngày nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang báo mạng, thời sự, kênh tin tức… liên tục đăng tải phản ánh sự việc đau lòng về vấn nạn “xâm hại tình dục”. Việc “xâm hại tình dục” đến các nạn nhân, mà đặc biệt là “trẻ em” gây ra những tác hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, tư duy,… của các em, tạo cho các em những vết thương ám ảnh lớn đến hết cuộc đời; không chỉ vậy một đất nước với đầy rẫy tội phạm tình dục và đầy rẫy những nạn nhân vô tội của những hành vi đáng lên án này sẽ là một đất nước lụi tàn, kém phát triển, gây sự sợ hãi cho khách du lịch khi tới thăm quan, gây cản trở các giao dịch thương mại khi các nước lớn không muốn đặt niềm tin xây dựng giao thương vào một đất nước hủ bại… Hơn hết với các nạn nhân là “trẻ em” thì sẽ gây ra những ảnh hưởng, tác hại vô cùng xấu đến các em, những mầm non tương lai của đất nước, các em bị xâm hại, vi phạm quyền được sống, quyền được mưu cầu, quyền được hạnh phúc của mình; kéo theo hệ lụy đó là gia đình, bạn bè, những người thân thiết với các em sẽ vô cùng đau lòng vì vấn đề này. Trẻ em luôn phải là những người được xã hội, pháp luật và gia đình bảo vệ, chúng ta sẽ không thể chấp nhận và tha thứ cho những hành động độc ác hòng xâm hại tình dục với các em.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tính đến cuối tháng 10 năm 2017 thì trung bình ở Việt Nam mỗi năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị xâm hại và bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, con số này cứ thế ngày càng gia tăng. Trong năm tháng đầu năm 2018, cả nước ta xảy ra 682 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến tận 84%. [10]
Tổng cả năm 2018, toàn quốc xảy ra 1.547 xụ xâm hại trẻ em. Theo phân tích theo tội danh của Bộ Công an cho biết, đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác. Bộ Công an thông tin thêm rằng: “Kết quả xử lý hình sự 1.255 vụ (chiếm 81%) với 1360 đối tượng (chiếm 81%); Xử lý hành chính 112 vụ (chiếm 7,2%) với 162 đối tượng (chiếm 9,7%). Đang điều tra xác minh 62 vụ (chiếm 4%) với 58 đối tượng (chiếm 3,5%), còn lại các vụ tạm đình chỉ, không khởi tố…”. [15]
Về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, trong khuôn khổ của Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), bà Triệu Thu Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đã khẳng định rằng những việc bạo lực, xâm hại trẻ em liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội.
“Số liệu thống kê của Thư viện Quốc hội cho thấy, trong hai năm (2017, 2018) và quý I (năm 2019), trên cả nước xảy ra có hơn 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện; trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm khoảng 60%.” [11]
Điều đáng lo ngại hơn nữa, bà Triệu Thu Phương nhấn mạnh, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính những người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ khá cao (21,3%). Ngoài ra có gần 60% trẻ em bị xâm hại bởi các đối tượng khác như hàng xóm, người quen. Đứng trên cương vị một vị đại biểu trong kì họp Quốc hội bà Triệu Thu Phương lại một lần nữa không ngần ngại nói thẳng, nói thật khi phát biểu rằng: “Nhiều vụ xâm hại, bạo lực trẻ em báo động sự suy đồi đạo đức xã hội như hiếp dâm tập thể, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh…”. Trên thực tế, số lượng trẻ em bị xâm hại tinh dục được công khai còn chưa phản ánh đúng sự thật. [11]
Đứng trước tình hình đáng báo động như vậy Chính phủ và Nhà nước ta đã có những hành động rõ rệt. Luật Trẻ em được Quốc hội chấp nhận và ban hành vào ngày 05/ 04/ 2016 với nhiều điều khoản chi tiết về quyền lợi bảo vệ trẻ em; Ngày 30/06/2017 Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” đưa ra mục tiêu hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không kịp lên tiếng kịp thời; Sự vào cuộc, bắt tay của giới báo chí, truyền thông cũng như Chính phủ, các ban ngành liên quan đến việc phanh phui các điểm khuất về tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em; Năm 2020 Quốc hội sẽ giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em…
Để ngăn chặn, xóa bỏ tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em thì cần phải có sự chung tay giúp sức rất lớn từ những ban, ngành, lãnh đạo liên quan cho đến cộng đồng xã hội. Trong vai trò là một thiết chế quan trọng của xã hội, Thư viện đã có những nỗ lực nhất định trong công cuộc đẩy lùi, ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em thông qua những hoạt động thiết thực phù hợp với vai trò, vị trí và chức năng của mình. Cùng song hành với những tổ chức, ban ngành Chính phủ khác Thư viện đã có những cố gắng trong việc bảo vệ trẻ em – những đối tượng dễ bị xâm hại tình dục bằng nhiều biện pháp khác nhau trong khuôn khổ, phạm vi của mình. Trong bài viết này tác giả đề cập đến những khái niệm, định nghĩa cơ bản về trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em… và cụ thể những hành động, những điều mà một Thư viện có thể làm được trong việc ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, qua đó đề nghị các giải pháp cho Thư viện hoàn thiện hơn trong công tác này.
2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG
2.1. Khái niệm về trẻ em
Theo tài liệu “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em (Dành cho Cán bộ Cộng đồng)” do tổ chức Australian Aid biên soạn có định nghĩa như sau: ““Trẻ em” là người dưới 18 tuổi. Trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt. Tất cả những người có tiếp xúc chuyên môn với trẻ (bao gồm giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên xã hội, công an, cán bộ cộng đồng) đóng một vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với nguy cơ trẻ em bị xâm hại.” [1]
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì nhận định: “Về mặt sinh học, trẻ em là con người ở giữa giai đoạn từ khi sinh ra và tuổi dậy thì. Định nghĩa pháp lý về một “trẻ em” nói chung chỉ tới một đứa trẻ, còn được biết tới là một người chưa tới tuổi trưởng thành. Trẻ em cũng có thể được hiểu trong mối quan hệ gia đình với bố mẹ (như con trai và con gái ở bất kỳ độ tuổi nào) hoặc, với nghĩa ẩn dụ, hoặc thành viên nhóm trong một gia tộc, bộ lạc, hay tôn giáo, nó cũng có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi một thời gian, địa điểm cụ thể, hoặc hoàn cảnh, như trong “một đứa trẻ vô tư” hay “một đứa trẻ của những năm sáu mươi”.” [4]
Luật trẻ em của Việt Nam ban hành năm 2016 ngay tại Chương I: Những quy định chung, Điều 1: Trẻ em, đã giải thích ngắn gọn rằng: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. [9]
Vậy từ các ý kiến ở trên ta có thể thấy tùy từng quốc gia và đất nước, tùy từng góc nhìn nhận mà độ tuổi của trẻ em được quy định có phần khác nhau, nhưng theo cá nhân tôi thì trẻ em đơn giản được hiểu rằng: Những người có độ tuổi quy định của đất nước sở tại, chưa bước đến tuổi trưởng thành, được pháp luật của chính nước đó bảo vệ về các quyền lợi, tránh bị các đối tượng khác xâm hại về thân thể, tâm lý…
2.2. Khái niệm về xâm hại tình dục trẻ em
Ban biên tập trường Ngô Thời Nhiệm có tổng kết lại và đăng trên website của mình sau buổi “Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em năm 2019” phối hợp với Công an Quận 9, có định nghĩa về xâm hại tình dục trẻ em như sau: “Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.” [5]
Theo UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) có định nghĩa về xâm hại tình dục trẻ em là: “Xâm hại tình dục trẻ em là mọi hành vi lôi kéo trẻ vào các hoạt động liên quan đến tình dục, mà trẻ không đủ khả năng (hoặc không hiểu), hoặc không đủ tâm thế để đưa ra quyết định đối với các hành vi này, hoặc các hành vi đó vi phạm đến luật pháp hay các giá trị văn hóa của cộng đồng sở tại.” [2]
Theo tài liệu “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em (Dành cho Cán bộ Cộng đồng)” do tổ chức Australian Aid biên soạn có định nghĩa về xâm hại tình dục trẻ em như sau:
“Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc.
Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm:
- Làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em.
- Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục.
- Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.
Trẻ em có quyền được bảo vệ theo Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em và luật pháp Việt Nam.
- Luật Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em
- Luật Hình sự
- Luật Hôn nhân và Gia đình
- Luật Lao động” [1]
Đây là ba góc nhìn, quan điểm từ đơn giản, cho đến cụ thể chi tiết vấn đề định nghĩa thế nào là xâm hại tình dục trẻ em.
2.3. Các cách phòng tránh cho trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục
Có khá nhiều quan điểm và các cách được nêu ra để phòng tránh cho trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục, đứng trên quan điểm một người có tìm hiểu về vấn đề “xâm hại tình dục trẻ em” nói chung tôi có lựa chọn và liệt kê ra đây các cách của Ban biên tập trường Ngô Thời Nhiệm và tổ chức Australian Aid như sau:
Theo tổ chức Australian Aid biên soạn trong cuốn “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ (Dành cho Cán bộ Cộng đồng)” thì trong phần “Làm thế nào có thể bảo vệ được trẻ?” có đưa ra các cách như sau:
“1. Đối thoại công khai và tuyên truyền
- Tăng cường mối quan hệ giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về xâm hại tình dục trẻ em.
- Đối thoại công khai về bảo vệ trẻ em trên các phương tiện truyền thông, trong trường học và các nơi liên quan khác tại cộng đồng.
2. Hoạt động phòng ngừa
- Kiểm tra chuyên môn và nhân thân của tất cả những nhân viên hoặc tình nguyện viên đang làm việc với trẻ em.
- Tiếp nhận nghiêm túc các báo cáo và điều tra mọi sự nghi ngờ.
- Hạn chế người lạ tiếp xúc với trẻ em và các địa điểm trẻ có thể ở một mình với người lớn.
- Thể hiện thái độ không khoan nhượng với mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng.
- Thực hiện các chương trình can thiệp sớm hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương.
3. Biện pháp bảo vệ
- Cảnh giác! Chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị xâm hại.
- Hành động ngay lập tức khi nhận được thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại.
- Bảo đảm sự an toàn về thể chất cho trẻ khi cần thiết.
- Trình báo mọi trường hợp trẻ em bị xâm hại với cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tuân thủ mọi quy định tại cộng đồng.” [1]
Cũng theo tổ chức Australian Aid biên soạn trong cuốn “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em (Tài liệu dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ)” trong phần “Làm thế nào để bảo vệ được trẻ?” có đưa ra các cách sau:
“1. Phải được thông tin
Hiểu rõ vấn đề xâm hại tình dục trẻ
2. Trò chuyện với trẻ
- Tạo mối quan hệ cởi mở với trẻ
- Nói chuyện với trẻ các chủ đề giới tính phù hợp với lứa tuổi
- Dạy trẻ cách tự bảo vệ mình:
Khi có cảm giác không an toàn và các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể
Xử lý tình huống nguy cơ bằng cách NÓI KHÔNG, RỜI BỎ, CHIA SẺ
Hình thành ở trẻ thói quen chia sẻ các bí mật vui và bí mật buồn
Giúp trẻ tìm ra những người lớn tin cậy mà trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần
3. Hiểu biết những điều sẽ xảy ra
- Đừng bao giờ nghĩ xâm hại trẻ em sẽ không xảy ra trong gia đình bạn hoặc ở cộng đồng của bạn
- Nắm bắt những thay đổi về hành vi của trẻ
- Quan sát hành vi của người lớn tiếp xúc với trẻ
4. Biết người, cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ
Trình báo ngay khi bạn nghi ngờ trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại” [2]
Ban biên tập trường Ngô Thời Nhiệm có nhận định về “Các quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại” cho trẻ em như sau:
“- Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa .
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không nói chuyện điện thoại với người lạ khi đang ở nhà một mình.
- Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình).
- Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.”
Những biện pháp giúp các em tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại:
“- Bố mẹ Bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi. Hãy cho trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
Khi tắm cho trẻ, hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi và con cần nói ra. Hãy nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
- Đứng ngay dậy
- Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ
- Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình.
- Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại! Tôi không cho phép! Tôi không muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người …
(Có thể nhắc đi nhắc lại).
- Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
- Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và giúp đỡ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất,… hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng là người các em cần tìm và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ.
- Nếu em bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám.
- Các em không nên phớt lờ, chối bỏ, né tránh vấn đề.” [5]
2.4. Thư viện làm những gì để ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em
Đứng trên quan điểm lí luận nghiệp vụ ta có thể thấy Thư viện với những nỗ lực và đóng góp của mình để ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em bằng những phương pháp như sau:
- Cung cấp tài liệu:
Một Thư viện thông thường đều có phục vụ bạn đọc bằng cách cho mượn hoặc sử dụng tài liệu để đọc tại chỗ, thậm chí là cho phép sao/ chụp lại tài liệu theo quy định của Thư viện. Vốn tài liệu của thư viện (trừ những Thư viện chuyên ngành của riêng của một cơ quan, tổ chức hay ban ngành) thì đều có rất nhiều đầu sách khác nhau, vô cùng phong phú về thể loại. Đặc biệt với hệ thống Thư viện công cộng thì trong đó có không ít những đầu sách liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn, ngăn ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em. Vì vậy việc cung cấp tài liệu cho việc đọc của Thư viện không chỉ dừng lại ở mức phát triển văn hóa đọc mà còn tạo cơ hội cho người đọc tiếp cận với những tài liệu về vấn đề ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em giúp họ trang bị được những kiến thức về vấn đề này, từ đó có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
- Cung cấp không gian:
Một Thư viện ngoài việc như đã đề cập ở trên là cung cấp tài liệu cho bạn đọc thì còn cung cấp không gian của mình cho bạn đọc. Việc cung cấp không gian cho bạn đọc có thể chia làm hai loại chính:
+ Loại căn bản: Cung cấp không gian an toàn (không tệ nạn, bình đẳng giới, không ồn ào) cho bạn đọc tự do sử dụng tài liệu phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giải trí của mình. Không gian của Thư viện là không gian của sách vở hay tri thức, nên tuyệt đối tuân theo những nguyên tắc văn hóa của xã hội, ở không gian này bạn đọc sẽ được đối xử bình đẳng, không phân biệt giới tính, giai cấp xã hội, trình độ học vấn… tạo cảm giác an toàn cho bạn đọc, đồng thời đảm bảo vấn đề an ninh ở mức tối thiểu, tránh những tệ nạn như xâm hại tình dục xảy ra. Vì vậy Thư viện còn có thể nói là nơi cung cấp không gian an toàn cho trẻ vui chơi và học tập.
+ Loại dịch vụ: Khi ta coi việc cung cấp không gian của Thư viện như một loại hình dịch vụ thì có thể chia ra làm hai loại.
- Thư viện sử dụng chính không gian của mình để thực hiện những loại dịch vụ như triển lãm, đào tạo người dùng tin, cho đến giới thiệu sách… Thư viện sử dụng không gian để tổ chức làm các sự kiện văn hóa, xã hội… trong đó có cả những sự kiện về vấn đề an toàn tình dục cho những thiếu niên mới lớn, việc sinh đẻ an toàn cho phụ nữ, ngăn ngừa xâm hại tình dục ở trẻ nhỏ…
- Thư viện cho mượn/ thuê không gian của mình. Các tổ chức, các cá nhân muốn mượn/ thuê lại không gian của Thư viện để tổ chức các sự kiện của mình, Thư viện sẽ xem xét nếu cảm thấy những yêu cầu, và hoạt động của sự kiện phù hợp với Thư viện thì sẽ đồng ý để các tổ chức, cá nhân đó thực hiện. Trong các sự kiện phong phú được tổ chức đó có cả sự kiện về an toàn tình dục.
- Cung cấp dịch vụ và sản phẩm thông tin
Để ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục ở trẻ em Thư viện cung cấp những dịch vụ phù hợp, những thông tin bổ ích cho bạn đọc về các vấn đề của an toàn tình dục, tránh xâm hại tình dục, bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ. Các dịch vụ của Thư viện có thể kể đến như:
+ Dịch vụ cung cấp thông tin cho thanh/ thiếu niên.
+ Dịch vụ cung cấp thông tin y học và y tế.
+ Dịch vụ phổ biến thông tin chọn lọc.
+ Dịch vụ tham khảo ảo.
+ Dịch vụ hỏi – đáp thông tin.
+ Dịch vụ cung cấp thông tin cho trẻ em.
+ Dịch vụ tra cứu thông tin.
+ Dịch vụ đào tạo người dùng tin.
+ Dịch vụ triển lãm/ tổ chức sự kiện, hội thảo chuyên đề.
+ Dịch vụ lưu thông tài liệu.
Từ những dịch vụ đã kể ở trên Thư viện đã sử dụng những sản phẩm thông tin như:
+ Mục lục: chủ đề, chữ cái, phân loại…
+ Thư mục: chuyên đề, chủ đề, toàn văn, bài trích…
+ Cở sở dữ liệu.
3. THỰC TIỄN NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN VIỆT NAM TRONG VIỆC NGĂN NGỪA TỆ NẠN XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
Thư viện Việt Nam trong những năm gần đây đã không ngừng phát triển về mặt chất lượng, trong công tác tổ chức và phục vụ người đọc đã có nhiều bước tiến thay đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu tin của bạn đọc ngày càng cao. Số lượng cán bộ Thư viện được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn chiếm đa số; ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng; các dịch vụ và sản phẩm thông tin thì sáng tạo, đa dạng; không những vậy để đáp ứng sự hội nhập của các nền kinh tế thế giới, và cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ thì đã có hàng loạt các công trình, hội thảo khoa học, giải pháp, kiến nghị được ra đời. Trong năm 2020 Luật Thư viện cũng sẽ được triển khai, trong đó sẽ có nhiều điều đáng chú ý. Thư viện trong quá trình hoạt động đã có những nỗ lực nhất định, dù rằng còn chưa thực sự quá nổi bật do những nhiệm vụ, vai trò của Thư viện trong xã hội còn khá đặc biệt trong quá trình đóng góp xây dựng đất nước. Với các vấn đề xã hội mà các Quốc gia đang quan tâm như Phát triển du lịch, Xây dựng xã hội học tập, Phổ cập giáo dục, Phổ biến thông tin văn hóa – xã hội – pháp luật… thì Thư viện đều góp những công sức của mình vào việc hình thành và phát triển các hoạt động đó. Đặc biệt tại bài viết này tôi có đề cập đến thực tiễn những hoạt động nổi bật, chủ yếu của các Thư viện Việt Nam trong việc ngăn ngừa tệ nạn xã hội đáng báo động mang tên xâm hại tình dục trẻ em.
3.1. Lưu thông tài liệu về kiến thức ngăn ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em
Thư viện với vốn tài liệu đa dạng, phong phú của mình trong đó bao gồm cả những tài liệu về kiến thức ngăn ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em đã được đưa đến tay bạn đọc sử dụng, phục vụ qua các hình thức dịch vụ căn bản sau:
- Dịch vụ đọc tại chỗ: Hiện nay đa số các Thư viện đã hoạt động theo hướng mở, nghĩa là coi người đọc làm trung tâm mọi hoạt động của Thư viện với phòng đọc thoải mái, tiện nghi đón người đọc vào sử dụng tại các kho mở. Ở kho mở (hay phòng đọc mở) người đọc có thể tùy ý chọn lựa các loại tài liệu có để ở trên giá xuống để sử dụng, đọc tại chỗ. Việc xuất hiện loại hình dịch vụ này đồng nghĩa với việc một phần nào đó Thư viện đã trở nên thân thiện và gần gũi với bạn đọc, đồng thời bạn đọc có thể cảm thấy thoải mái khi sử dụng tài liệu ở Thư viện hơn, dẫn đến nhu cầu sử dụng Thư viện ngày càng cao. Bạn đọc sẽ từ đó đọc được những tài liệu bổ ích.
- Dịch vụ mượn/ trả tài liệu: Đây là dịch vụ căn bản của mỗi Thư viện. Mục đích của bạn đọc đến Thư viện chính là để tìm kiếm các thông tin mà mình cần, nhưng đôi khi những thông tin đó bạn đọc sẽ không muốn khai thác ngay tại Thư viện mà muốn mượn về rồi mới sử dụng do nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan khác nhau. Vì vậy việc cho bạn đọc mượn tài liệu về nhà để sử dụng sẽ tạo điều kiện cho bạn đọc khai thác nhu cầu tin của mình được tốt và tiện lợi hơn. Việc đem tài liệu đã mượn ở Thư viện về nhà khiến cho người đọc cảm thấy thoải mái trong thời gian sử dụng, không bị gò bó vào giờ giấc nhất định, người đọc có thể sử dụng vào bất kì khung giờ thời gian nào người đọc cảm thấy phù hợp. Hơn hết việc khai thác những thông tin có trong tài liệu được tiến hành tại những địa điểm quen thuộc của người đọc như nhà ở, giảng đường,... tạo cho họ cảm giác thân thiện, quen thuộc dẫn đến những thông tin được tiếp nhận nhanh chóng hơn.
- Dịch vụ Thư viện lưu động (Mobile library service): Đây là dạng Thư viện thu nhỏ, một không gian về sách lưu động dưới dạng một ô tô với độ lớn vừa phải có thể chứa các tài liệu của Thư viện cùng các trang thiết bị máy móc công nghệ đến cho người đọc sử dụng tại các địa điểm nhất định, thường là các trường học hoặc các địa điểm văn hóa, khu dân cư…
Công ty Samsung chi nhánh tại Việt Nam (sau đây sẽ gọi tắt là Công ty Samsung) sau dự án đầu tư cho Không gian công nghệ S.hub tại các Thư viện trên cả nước thì đã lại tiếp tục bắt tay Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh để thực dự án Thư Viện Thông Minh Lưu Động nhằm tiếp tục giới thiệu giáo dục STEM (STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại Việt Nam. Theo Công ty Samsung thì Thư viện lưu động hay Thư Viện Thông Minh Lưu Động là không gian tri thức gần gũi và thiết thực cho học sinh và giáo viên. Sự phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Samsung đã đem đến một loại hình dịch vụ đặc biệt, đem tài liệu, kiến thức về phòng tránh xâm hại trẻ em đến tay học sinh một cách đầy sáng tạo, giúp cho học sinh dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin để tránh bị xâm phạm tình dục. Công ty Samsung đã nhận định về vấn đề này như sau: “Thư Viện Thông Minh Lưu Động là một không gian di chuyển đầy đủ trang thiết bị của một thư viện bao gồm sách, thiết bị điện tử và học cụ để phục vụ nhu cầu đọc sách, tra cứu thông tin và thực hiện lớp học STEM. Nội dung lớp học bao gồm STEM Robotics, STEM khoa học vui, đọc sách điện tử, tìm kiến thức tự chăm sóc thân thể, phòng chống xâm hại qua các trò chơi trên máy tính bảng.” [13]
Tác giả/ nhà báo Hà Thế An cũng nhận định:
“…Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM phối hợp với Samsung Việt Nam cho ra mắt mô hình thư viện thông minh lưu động được thiết kế trong không gian một chiếc xe tải. Thư viện được xem như một “công xưởng” thu nhỏ để học sinh được trải nghiệm kiến thức STEM tại không gian này với các thiết bị, dụng cụ cho hoạt động sáng tạo. Học sinh cũng có thể tham gia các trò chơi trên các thiết bị thông minh như máy tính bảng, smartphone để được trang bị những kiến thức phòng chống xâm hại tình dục.” [3]
Qua đó ông Bùi Xuân Đức (Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định:
“Dự kiến thư viện thông minh sẽ bắt đầu phục vụ các trường học từ đầu năm 2019. Trong vòng 3 năm, thư viện sẽ tiếp cận với 16 trường tiểu học, THCS với khoảng 15.000 học sinh trên địa bàn một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”. [3]
Ngoài dự án đã kể thì có thể nói đến trường hợp của Thư viện Thuận An trong việc góp phần xóa bỏ, ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em qua những việc làm thiết thực của mình:
“Sáng ngày 14/6/2019 tại Trường TH Hưng Định, Thư viện Thuận An phối hợp với Ban chỉ đạo các hoạt động thanh thiếu nhi phường Hưng Định phục vụ sách trong buổi nói chuyện chuyên đề về Luật trẻ em năm 2016, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em và phòng vệ bản thân vào dịp hè năm 2019…
Cũng trong dịp này Thư viện Thuận An đã phối hợp luân chuyển 600 bản sách về giáo dục giới tính, kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, sổ tay hướng dẫn công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ bị bạo lực xâm hại tình dục, truyện tranh .... phục vụ các em Trường TH Hưng Định, Trường TH Hưng Lộc và Trường THCS Nguyễn Trung Trực nhằm góp phần trang bị thêm kiến thức cho các em. Qua đây giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ bản thân mình, góp phần ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các truờng hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện nhất trong môi trường an toàn và thân thiện.” [17]
Từ một vài sự kiện tiêu biểu trên ta có thể thấy những nỗ lực của Thư viện trong việc sử dụng dịch vụ lưu thông tài liệu, cụ thể và nổi bật nhất là dịch vụ Thư viện lưu động để ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em.
3.2. Tổ chức hoặc đồng phối hợp tổ chức các sự kiện về chủ đề xâm hại tình dục trẻ em
Các Thư viện của Việt Nam trong quá trình hoạt động đã tự mình tổ chức hoặc đồng phối hợp tổ chức các sự kiện liên quan đến chủ đề xâm hại tình dục trẻ em. Thông qua các buổi sinh hoạt này những người nghe (đa số là các em học sinh) đã có thêm kiến thức để trang bị trong cuộc sống, tránh những tác hại đáng tiếc. Trong những buổi sinh hoạt theo chủ đề thường có những hoạt động như sau (có thể chỉ có hai hoạt động, hoặc chỉ một hoạt động diễn ra chứ không phải lúc nào cũng có cả ba hoạt động cùng lúc):
- Thư viện giới thiệu sách về chủ đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Thư viện là nơi cung cấp những thông tin cần thiết trong cuộc sống cho bạn đọc. Những thông tin đó đa số được lưu trữ và trình bày phần nhiều là ở trên dạng tài liệu là sách, vì vậy giới thiệu sách là một hoạt động khá quen thuộc của một Thư viện. Giới thiệu sách đến bạn đọc thì có nhiều hình thức như: thông báo qua thư mục sách mới, thông báo qua các kênh mạng xã hội hay là tổ chức sự kiện giới thiệu sách… Trong trường hợp này tôi muốn nhấn mạnh đến là tính hiệu quả của việc giới thiệu sách thông qua tổ chức sự kiện. Khi tổ chức sự kiện về giới thiệu sách thường thu hút khá nhiều người quan tâm, gây ra ảnh hưởng lớn, nâng cao độ lan tỏa của Thư viện đến với cộng đồng. Thư viện tổ chức sự kiện giới thiệu sách có thể chọn ở hai hình thức chính là tổ chức tại ngay Thư viện hoặc tổ chức tại một địa điểm khác (trường học, nhà Văn hoá, khu tổ chức sự kiện…). Với mỗi lần tổ chức sự kiện kiểu dạng này Thư viện sẽ chọn một chủ đề để giới thiệu cho các bạn đọc liên quan đến vốn tài liệu của Thư viện mình, có thể là cùng lúc giới thiệu nhiều cuốn sách, hay cũng có thể chỉ là giới thiệu một cuốn sách riêng biệt mà thôi. Sự đa dạng của chủ đề tổ chức sự kiện giới thiệu sách gắn liền với sự đa dạng vốn tài liệu mà Thư viện có nên “Giới thiệu sách về chủ đề xâm hại tình dục trẻ em” cũng là một chủ đề được các Thư viện Việt Nam lựa chọn và thực hiện, phù hợp với nội dung sách mà Thư viện đang có và mang tính thực tiễn về một vấn đề mà xã hội đang quan tâm.
Căn cứ vào Kế hoạch số 755/KH-UBND ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, Thư viện trường Trung học cơ sở Lam Hạ đã triển khai những hoạt động thực tiễn liên quan đến văn hóa đọc, giúp tuyên truyền, xây dựng hình thành thói quen đọc cho học sinh tại trường. Thư viện trường Trung học cơ sở Lam Hạ đã phát động quyên góp sách báo, sửa chữa các đầu sách bị hỏng,… nhờ sự giúp đỡ các em học sinh. Ngoài ra Thư viện trường Trung học cơ sở Lam Hạ còn biên soạn và ra mắt thư mục mang tên “Cùng em ôn tập” với tổng hợp những cuốn sách phù hợp với nội dung học tập của các em học sinh. Đặc biệt hơn nữa với hoạt động giới thiệu nhiều đầu sách hay, Thư viện trường Trung học cơ sở Lam Hạ có giới thiệu về cuốn sách kĩ năng sống mang tên “Hướng dẫn phòng chống xâm hại tình dục trẻ em dành cho học sinh trung học cơ sở” giúp các em nhận biết những vấn đề căn bản về thế nào là xâm hại tình dục, và các cách đối phó, ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến bản thân mình. [16]
Cũng tương tự như sự kiện trên nhằm trang bị cho các em học sinh những kiến thức về kĩ năng sống, sáng ngày 09/09/2019, Thư viện tỉnh An Giang đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Thoại Sơn tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu sách chuyên đề “Kỹ năng phòng chống bạo lực học đường và tệ nạn cho học sinh Trung học cơ sở” cho các em học sinh ở trường Trung học cơ sở Thoại Giang (huyện Thoại Sơn). Cụ thể trong nội dung chương trình, diễn giả bà Trần Thị Lan (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang) đã cung cấp những thông tin bổ ích có trong cuốn sách, đề cao ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường và đặc biệt là tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời bà có nhấn mạnh đưa ra các phương pháp để các em có thể tự bảo vệ mình, và chia sẻ thực trạng các vụ án đã xảy ra trong địa bàn tỉnh đề nhắc nhở các em. [12]
Tiếp nối những sự kiện trên có thể nhắc đến vào ngày 22/10/2019, ngày hội đọc sách mang tên “Tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em” do Thư viện tỉnh Bình Dương phối hợp với Hội đồng Đội Thị xã Thuận An và trường Tiểu học Bình Quới tổ chức nhằm tạo ra sự hứng thú cho các em học sinh với vấn đề đọc sách. Ngày hội với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, các em học sinh của trường Tiểu học Bình Quới còn được giới thiệu đến sách “Kỹ năng phòng tránh xâm hại cho học sinh tiểu học”; trong đó nội dung đến các phương pháp tự vệ, tự thoát thân khỏi các tình huống xâm hại cho các em… [7]
- Thư viện triển lãm sách về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Hoạt động triển lãm sách của Thư viện được coi là một dịch vụ mang tính tuyên truyền có hiệu quả với chủ đề mà Thư viện muốn đề cập tới, đồng thời qua đó có thể giới thiệu đến bạn đọc những tài liệu mà Thư viện hiện đang có về chủ đề này. Cũng tương tự như hoạt động giới thiệu sách, hoạt động hay loại hình dịch vụ này được Thư viện thực hiện ở hai địa điểm chính là ở tại ngay chính Thư viện hoặc các địa điểm khác (trường học, nhà Văn hóa, khu tổ chức sự kiện…). Dịch vụ triển lãm sách có thể tổ chức song song với hoạt động giới thiệu sách tạo ra một sự kiện mang tính văn hóa, quảng cáo về Thư viện một cách hữu hiệu đối với bạn đọc.
Về vấn đề này đã nhắc đến ở trên, vào “Sáng ngày 14/06/2019 tại trường Trung học Hưng Thịnh, Thư viện Thuận An đã phối hợp với Ban chỉ đạo các hoạt động thanh thiếu nhi phường Hưng Thịnh phục vụ buổi nói chuyện chuyên đề về Luật trẻ em năm 2016, kTươnỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em và phòng vệ bản thân vào dịp hè năm 2019”, trong đó các đầu sách đã được bày biện, triển lãm trên các bàn để ở trường với hình thức bắt mắt thu hút các em học sinh đến đọc, giúp các em tự học, tăng cường những kiến thức về kĩ năng sống, phòng chống tệ nạn xâm hại tình dục. [17]
Tương tự như vậy ở trường hợp do Thư viện tỉnh Bình Dương phối hợp với Hội đồng Đội Thị xã Thuận An và trường Tiểu học Bình Quới tổ chức ngày hội đọc sách đã nói ở trên cũng có việc triển lãm sách cho các em sử dụng để đọc. [7]
- Các hoạt động về việc tuyên truyền phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức ở Thư viện: Ở trên tôi đã trình bày đến những hoạt động cụ thể mà Thư viện đã làm trong việc ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhưng đôi khi Thư viện có thể chỉ là địa điểm được chọn lựa làm nơi tuyên truyền về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em do các cơ quan, tổ chức thực hiện; thậm chí ngay cả khi trong Thư viện cũng không có các sản phẩm và dịch vụ thông tin, hay các loại sách liên quan đến ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em. Nhưng nhìn nhận ở một mặt tích cực Thư viện như một trung tâm xã hội, một trung tâm văn hóa công cộng, điểm đến an toàn cho trẻ em tới để sử dụng, khai thác thông tin mà sẽ không phải lo sợ bị xâm hại tình dục; qua đó trẻ em còn có thể sinh hoạt các buổi tuyên truyền về phòng tránh xâm hại tình do các cơ quan, tổ chức thực hiện.
Có thể kể đến trường hợp Cung Thiếu nhi Đà Nẵng khánh thành Thư viện của mình, nhân đó cũng sinh hoạt luôn chuyên đề “Tuyên truyền giáo dục về phòng chống xâm hại trẻ em”. Hai nội dung được lồng ghép vào cùng một sự kiện với gần 300 học sinh tham gia. Qua sự kiện các em được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống xâm hại, thậm chí còn được giới thiệu, học cách sử dụng Thư viện cùng lúc tạo cho các em có thích thú, dễ tiếp thu hơn về các vấn đề được nêu ra. [6]
3.3. Xây dựng Bộ sưu tập số về các chủ đề liên quan đến phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em
Việc xây dựng những Bộ sưu tập tài liệu dưới dạng số theo các chủ đề liên quan đến xâm hại tình dục cho trẻ em giúp việc tiếp cận thông tin đến vấn đề này được dễ dàng, tiện lợi hơn. Tại trang web của Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) (Địa chỉ: http://csaga.org.vn/) trong 6 mục chính tại web có mục Thư viện giới với 9 chủ đề mang tên: Giới, Bạo lực Giới, Bạo lực Gia đình, Làm việc với người Nam giới, Chống xâm hại tình dục, Trẻ em, LGBTQ – Nữ yêu Nữ, Mua bán người, Sức khỏe tình dục.
Trong số các chủ đề đó có hai chủ đề với lượng tài liệu chủ yếu về vấn đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em là: Chống xâm hại tình dục và Trẻ em. Sau khi tham khảo tại nội dung trang web tôi đã lựa chọn, biên mục một số tài liệu tiêu biểu ở mục chủ đề Trẻ em, và toàn bộ tài liệu ở mục chủ đề Chống xâm hại tình dục có liên quan đến ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em theo những thông tin mà Thư viện Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đăng tải trên phần Thư viện số của mình. Cụ thể về các tài liệu ở các mục đó như sau:
Chủ đề Chống xâm hại tình dục:
- Koninkrijk der nederlanden & CSAGA (2018), Khoảng trống và khuyến nghị trong việc trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục. Hiện trạng: miễn phí download.
- Reporting on Rape and Sexual violence. A Media Toolkit for Local and National Journalists to Better (2015). Hiện trạng: miễn phí download.
- Australian Aid, World Vision (2015), Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Hướng dẫn thảo luận với cán bộ cộng đồng. Hiện trạng: miễn phí download.
- Australian Aid, World Vision (2015), Phòng ngừa xâm hại tình dục hướng dẫn cho trẻ em và người chưa thành niên. Hiện trạng: miễn phí download.
- Unicef (2013), Nâng cao nhận thức về phòng, chống lạm dụng trẻ em dành cho giáo viên. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Bộ lao động – TBXH (2013), Thông tư quy định can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Hiện trạng: miễn phí download.
- Is someone you know being abused in a relationship? A guide for families, friends & neighbours (2013). Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Bộ lao động thương binh và xã hội. Chương trình tư vấn tâm lý - Tình cảm (2013), Hội thảo khoa học sức khỏe sinh sản. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Oruginal Research reports Effect of Childhood sexual abuse on Gynecologic Care as an Adult (2013). Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Reina Michaelson (2013), Lạm dụng trẻ em ở Việt Nam: Báo cáo tóm tắt về khái niệm, bản chất và phạm vi của lạm dụng trẻ em ở Việt Nam. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Institution of reproductive and family health (2013), Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em đường phố tại thành phố Huế và Hà Nội”. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Report on Sexuality abused and sexually exploited children A qualitative assesment of their health needs and services available to them in selected provinces in Viet Nam (2013). Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Department of health (2013), Báo cáo quấy rối, lạm dụng tình dục và nguy cơ lây nhiễm HIV của lứa tuổi vị thành niên tại trường phổ thông trung học (Khảo sát tại Hà Giang, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh). Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Cynthia L. Mather Kristina E. Debye (2013), Lạm dụng tình dục. Hàn gắn và vượt qua nỗi đau. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Viện nghiên cứu thanh niên (2013), Báo cáo kết quả khảo sát khả năng phát triển xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, phòng chống xâm hại trẻ em và phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Viện gia đình và giới (2013), Tổng quan nghiên cứu về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam trong những năm gần đây - Báo cáo nghiên cứu. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- WPF (2013), Vì một cuộc sống an toàn. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Brenda Stebbing, Paddy Hobley-Pacey (2013), The Peace Kit 247 Activities for Primary Schools. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Unicef (2013), Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Những điều cha mẹ nên biết. Hiện trạng: miễn phí download.
- Học viện CTQG Hồ Chí Minh - Ủy ban BV & CS Trẻ em Việt Nam (2013), Kỷ yếu hội thảo khoa học về "Bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại thực trạng và giải pháp" (Từ 06/8/1996 đến 08/8/1996). Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Department of health (2013), A guide for survivors of rape and sexual assault. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Marcus Erooga and Helen Masson (2013), Children and young people sexually abuse otheres: current developments and practice response. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Frank, O'Hare, Kopels… (2013), Some journal article on sexual harassmen. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Vụ pháp chế uỷ ban dân số gia đình và trẻ em (2013), Báo cáo rà soát đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam về phòng chống lạm dụng, xâm hại trẻ em. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Vioteta Bautista, Aurotita Roldan, Myra Garce (2013), Vượt qua nghịch cảnh – niềm hi vọng của những trẻ bị xâm hại. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
Chủ đề Trẻ em:
- Unicef (2014), Những điều cha mẹ cần biết về quyền trẻ em. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Trần Thi Hằng, Jobst Koehler (2014), Nghiên cứu về mua bán trẻ em trai tại Việt Nam. Hiện trạng: miễn phí download.
- Save the children Sweden (2014), Tăng cường quyền trẻ em - Tài liệu tập huấn công ước về quyền trẻ em: Sách tham khảo, tái bản có chỉnh sửa và bổ sung. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Cát Văn Thành (2014), Một số văn bản pháp luật chính sách về bảo vệ trẻ em. Hiện trạng: file tài liệu chưa được tải lên.
- Unicef (2014), An Analysis of the Situation of Children in Ninh Thuan Province. Hiện trạng: miễn phí download.
- Unicef (2014), Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam. Hiện trạng: miễn phí download.
- Cefacom, Ecpat, YPP, The Body shop (2014), Sổ tay bạn trẻ bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại và HIV/AIDS. . Hiện trạng: miễn phí download.
Ngoài ra với 7 chủ đề khác của Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), trên phần Thư viện số đều có những tài liệu liên quan đến chủ đề ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ cả miễn phí down load, và cả chưa có đăng lên file download miễn phí lên.
Tất cả những Bộ sưu tập số này đều cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, nếu ở dạng tài liệu có thể miễn phí download bạn đọc có thể tải về các thiết bị như Laptop, Smart Phone, Ipad… của mình để sử dụng một các tiện lợi, không bị gò bó thời gian sử dụng, không bị hạn chế bởi không gian, cũng không phải nhất thiết phải đến Thư viện của Trung tâm CSAGA để mượn. Còn với những tài liệu không có đăng file miễn phí download lên thì ít nhất người đọc cũng được nhận những thông tin cơ bản như: tên tác giả, tên tài liệu, số đăng kí cá biệt của tài liệu, nguồn, ngôn ngữ, số trang, chủ đề chính, tóm tắt nội dung (dù rằng không phải tài liệu nào cũng đầy đủ hết các mục thông tin này) sẽ giúp bạn đọc có thể tra cứu tài liệu ngay ở nhà xem tài liệu có phù hợp với mình không, và tài liệu mình cần có ở tại Trung tâm CSAGA không rồi mới đến để mượn hoặc đọc tại đó. Việc tra cứu tại nhà trên web của Trung tâm CSAGA sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian của những người quan tâm đến việc ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Với một số tài liệu thậm chí còn có ghi giá, có nghĩa là tại Trung tâm CSAGA có bán, thông báo đến bạn đọc nếu có nhu cầu cần tài liệu đó để nghiên cứu có thể trực tiếp đến để mua.
4. GIẢI PHÁP VÀ KẾT LUẬN
Trong những năm qua để góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, một đất nước phát triển về mọi mặt các cơ quan, trung tâm, tổ chức Thư viện đã nỗ lực rất nhiều với các sản phẩm, dịch vụ thông tin – thư viện đa dạng, sáng tạo phù hợp với những nhu cầu thiết thực của bạn đọc trong thời kì hội nhập, đổi mới này.
Để tiếp tục phát huy những thành quả mà ngành Thư viện đã làm được trong việc ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em thông qua các hoạt động thực tiễn tôi đã nêu ở chương 3, tôi có một số đề xuất đó là:
- Các Thư viện nên chọn lọc, tìm kiếm những Bộ Cơ sở dữ liệu chất lượng, có các tài liệu liên quan vấn đề phòng ngừa, bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn xâm hại tình dục. Có thể dùng Bộ Cơ sở dữ liệu UN iLibrary chọn chủ đề Trẻ em và thanh thiếu niên, chủ đề Vấn đề phụ nữ và giới tính, chủ đề Sức khỏe cộng đồng; WorldBank eLibrary chọn chủ đề Giới tính để góp phần đa dạng các nguồn tài liệu có giá trị giúp bạn đọc tham khảo thêm được về các vấn đề khía cạnh liên quan đến sức khỏe, giới tính, và bảo vệ trẻ em.
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào Thư viện, giúp Thư viện tổ chức, quản lý các công việc tiết kiệm thời gian, hiệu quả hơn dẫn đến việc phục vụ nhu cầu tin của bạn đọc được tối ưu. Có thể sử dụng phần mềm Quản lý Thư viện Kipos (phần mềm quản lý ba trong một: cổng thông tin – tài liệu truyền thống – tài liệu số hóa) để quản lý Thư viện. Sử dụng hệ thống an ninh Thư viện để tránh những trường hợp thất thoát tài liệu trong những kho mở của Thư viện (Bao gồm cổng an ninh để kiểm soát công nghệ RFID hoặc EM, trạm mượn/ trả sách, Chip RFID hoặc dây/ chỉ từ tính). Đầu tư thêm các thiết bị số hóa, máy quét dạng bán tự động, tự động, tích hợp đa chức năng… để phục cho việc Scan – Số hóa tài liệu…
- Xây dựng các dịch vụ và sản phẩm thư viện – thông tin đặc thù liên quan đến chủ đề ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Thiết lập các dịch vụ phổ biến thông tin chọc cho vấn đề này đồng thời qua đó xây dựng các sản phẩm thông tin tương ứng là các Bộ Cơ sở dữ liệu, Thư mục chủ đề, Mục lục chủ đề…
- Tập huấn cho các cán bộ Thư viện những kiến thức, kĩ năng xử lý tình huống về xâm hại tình dục trẻ em để từ đó Thư viện có thể trở thành nơi tư vấn đến vấn đề này cho những người cần.
- Tiếp tục phối hợp nhiều hơn nữa với các bên liên quan để tổ chức các ngày hội, sự kiện về tuyên truyền ngăn ngừa, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Tóm lại Thư viện đã có những nỗ lực nhất định trong công cuộc ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em, để công việc này được phát huy hiệu quả hơn nữa thì Thư viện sẽ phải cố gắng thêm rất nhiều trong thời gian tới.
_________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Australian Aid, Phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em (Dành cho Cán bộ Cộng đồng), truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://childsafetourism.org/downloads/Vietnamese_Community_reps_Takeaways.pdf
[2] Australian Aid, Phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em (Tài liệu dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ), truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://thcstanthien.dongxoai.edu.vn/SiteFolders/TruongTHCSTanThien/1363/1/2.PDF
[3] Hà Thế An (2019), Thư viện thông minh giúp trẻ em học STEM, phòng tránh xâm hại tình dục, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thu-vien-thong-minh-giup-tre-em-hoc-stem-phong-tranh-xam-hai-tinh-duc-c7a697354.html
[4] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Trẻ em, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%BB_em
[5] Ban biên tập trường Ngô Thời Nhiệm, Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em năm 2019, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: https://ngothoinhiem.edu.vn/1928/tuyen-truyen-kien-thuc-ky-nang-phong-chong-xam-hai-tinh-duc-tre-em-nam-2019.html
[6] N. Cáp (2017), Cung TN Đà Nẵng: khánh thành thư viện và sinh hoạt chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ em, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://www.thieunhivietnam.vn/cung-tn-da-nang-khanh-thanh-thu-vien-va-sinh-hoat-chuyen-de-phong-chong-xam-hai-tre-em-n2726.html
[7] Minh Hiếu (2019), Ngày hội đọc sách “Tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://baobinhduong.vn/ngay-hoi-doc-sach-tuyen-truyen-phong-chong-bao-luc-xam-hai-tinh-duc-tre-em-a210572.html
[8]Trương Đại Lượng (2017), Giáo trình dịch vụ thông tin thư viện – H.: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
[9] Luật số 102/2016/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 05 tháng 04 năm 2016 về Luật Trẻ em.
[10] Cẩm Nhung (2020), Báo động những thống kê về xâm hại, bạo lực trẻ em, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/bao-dong-nhung-thong-ke-ve-xam-hai-bao-luc-tre-em-3970222-v.html
[11] Nhóm PV/Vietnam+ (2019), Đại biểu Quốc hội: Mức độ xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/dai-bieu-quoc-hoi-muc-do-xam-hai-tre-em-ngay-cang-nghiem-trong_t114c1159n149474
[12] Phòng Tin học và Thông tin thư mục - Thư viện tỉnh An Giang, Thư viện tỉnh An Giang: Giao lưu giới thiệu sách chuyên đề kỹ năng phòng chống bạo lực học đường và tệ nạn xã hội, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://thuvienangiang.com/tintucchitiet.php?id=753&ncm=9&cm=87
[13] Samsung Newsroom Việt Nam (2019), Samsung tiếp tục đưa mô hình Không gian Công nghệ Thiếu nhi đến với trẻ em vùng xa bằng Thư Viện Thông Minh Lưu Động, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: https://news.samsung.com/vn/samsung-tiep-tuc-dua-mo-hinh-khong-gian-cong-nghe-thieu-nhi-den-voi-tre-em-vung-xa-bang-thu-vien-thong-minh-luu-dong
[14] Lê Sơn (2019), Năm 2020: Quốc hội giám sát về phòng chống xâm hại trẻ em, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nam-2020-Quoc-hoi-giam-sat-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em/367432.vgp
[15] Nguyễn Trường (2019), 1.141 trẻ em bị xâm hại tình dục trong năm 2018, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: https://dantri.com.vn/xa-hoi/1141-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-trong-nam-2018-2019011217304825.htm
[16] THCS Lam Hạ (2018), THCS Lam Hạ hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: https://hanam.gov.vn/sgddt/Pages/thcs-lam-ha-huong-ung-ngay-sach-viet-nam-lan-thu-5.aspx
[17] Thư viện Thuận An (2019), Thư viện thị xã Thuận An phục vụ sách tại buổi Nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em và phòng vệ bản thân vào dịp hè năm 2019, truy cập vào ngày 06/01/2020 tại địa chỉ: http://www.thuvienbinhduong.org.vn/?ArticleId=dde4510a-3809-43d4-be15-ae5a1ed7ea79
[18] http://csaga.org.vn/ truy cập vào ngày 06/01/2020
[19] https://www.unicef.org/vietnam/vi/taxonomy/term/2201 truy cập vào ngày 06/01/2020
______________________________________________
Đăng vào ngày 11/01/2020
Bài viết: Hải Anh
Ảnh bìa bài viết: Thư viện Thuận An