VNU-LIC tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”
VNU-LIC tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”
Công ty IDT hân hạnh tham gia tài trợ sự kiện này
Sáng ngày 09/02/2017 tại Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN (VNU-LIC) đã diễn ra hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm (14/02/1997 – 14/02/2017).
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của hơn 120 đại biểu là lãnh đạo, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ thư viện các cơ quan thông tin, thư viện trong nước. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham dự của PGS, TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQGHN cùng đại diện một số Ban chức năng và đơn vị thành viên.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐHQGHN đánh giá cao vai trò thiết yếu của thư viện đối với hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của các trường đại học. Đồng chí đặc biệt đề cao vai trò quan trọng của công tác bổ sung tài liệu và chính sách sử dụng, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực tại các thư viện đại học. Đồng chí cũng nhìn nhận hội thảo là cơ hội rất tốt để các cơ quan thông tin, thư viện trong nước có thể cùng chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm thực tế và sáng tạo các giải pháp mới trong tiến trình xây dựng và phát triển thư viện số, cũng như thúc đẩy sự liên thông, hợp tác giữa các thư viện đại học.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu chỉ đạo Hội thảo
TS. Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc VNU-LIC phát biểu khai mạc Hội thảo
Cùng đánh giá về những bước phát triển đã đạt được của tiến trình xây dựng thư viện số tại Việt Nam, TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Phạm Thế Khang - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng những thành tựu của công tác xây dựng thư viện số nói chung còn khiêm tốn cả về số lượng và mức độ đạt được. Đến nay, công tác này mới chỉ đạt được 10% mức chỉ tiêu đã đề ra năm 2015. Qua hội thảo, các đồng chí mong muốn các cơ quan thông tin, thư viện trong nước và các thư viện đại học sẽ cùng tìm ra phương hướng và giải pháp chia sẻ thông tin hiệu quả, phát huy được tối đa các nguồn lực nhằm hoàn thiện các quy trình xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam bền vững.
TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch
Hội thảo do VNU-LIC tổ chức lần này đã nhận được 52 bài viết chất lượng, tâm huyết của các tác giả công tác trong ngành thông tin thư viện , bao quát nhiều vấn đề quan trọng, thiết yếu trong công tác triển khai và hoàn thiện thư viện số hiện đại. Một số bài viết trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận các nội dung cần lưu tâm, cũng như các khó khăn trong công tác xây dựng thư viện số trong thực tế, tiêu biểu như: “Chính sách truy cập mở đến kết quả nghiên cứu số sử dụng kinh phí công trên thế giới và một số đề xuất đối với Việt Nam” (ThS. Cao Minh Kiểm – Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam”; “Xây dựng thư viện số và một số thách thức trong lưu trữ, bảo quản tài liệu số” (ThS. Lê Bá Lâm – Phó Giám đốc VNU-LIC), “Giải pháp xây dựng Bộ sưu tập số hiệu quả” (ThS. Kiều Thúy Nga – Thư viện Quốc gia Việt Nam); “Nguyên lý và chính sách phát triển Thư viện số” (TS. Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch Liên Chi hội thư viện đại học phía Bắc)…
ThS. Lê Bá Lâm - Phó Giám đốc VNU-LIC trình bày tham luận
ThS. Kiều Thúy Nga - Giám đốcThư viện Quốc Gia Việt Nam trình bày tham luận
Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới công tác quản lý, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thông tin, thư viện cũng được nhiều tác giả đề cập chi tiết, đồng thời gợi mở các giải pháp thiết thực như bài viết “Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện đại học trong kỷ nguyên số” (TS. Đỗ Văn Hùng – Khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN); “Phát triển mô hình mạng quản lý thư viện chia sẻ chung và thống nhất: Cơ hội và thách thức” (Ông Vũ Sỹ Dũng – Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và thông tin kỹ thuật TED) hay bài viết “Liên hiệp thư viện và lợi ích cho các trường đại học” (Bà Nguyễn Thùy Linh – Văn phòng đại diện iGroup Việt Nam)...
Sau gần 4 giờ thảo luận, các vấn đề được nêu ra trong các bài viết đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự hội thảo. Theo đó, các nội dung quan trọng khác trong công tác phát triển thư viện số định hướng nghiên cứu cũng được các đại biểu nêu ra, tiêu biểu như cơ sở để đánh giá hiệu quả của thư viện số trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, hay vai trò và sự can thiệp cần thiết của các tổ chức quản lý nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp thư viện trong vấn đề bản quyền khi số hóa tài liệu của các trường đại học …
Phát triển thư viện số hiện đại, chất lượng theo chuẩn quốc tế là một trong những yêu cầu cần thiết để hệ thống thư viện Việt Nam hòa nhập và bắt kịp với tiến trình phát triển của ngành thông tin thư viện thế giới. Hội thảo “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai” đã thể hiện được sự quan tâm cũng như vai trò tiên phong của VNU-LIC trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam trước xu thế phát triển mạnh mẽ thư viện số hiện đại. . Hy vọng sau hội thảo, những kinh nghiệm thực tiễn, những bài học bổ ích và những giải pháp đề xuất sẽ tiếp tục được nghiên cứu và là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức VNU-LIC